Theo số liệu thống kê, với tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân giai đoạn 2013 - 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 3,63%/năm, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị ngành ước đạt 54,7% năm 2020, chăn nuôi đã trở thành lĩnh vực chính, góp phần quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp.
Để có được những thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ thú y cơ sở.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng và các loại dịch bệnh động vật khác, lực lượng thú y viên cơ sở là nhân tố rất quan trọng.
Cán bộ thú y cơ sở luôn được coi là vệ tinh của ngành chăn nuôi, có vai trò quan trọng trong công tác tham mưu phòng chống, khống chế các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi. |
Anh Nguyễn Hải Tân, xã Duy Phiên (Tam Dương) cho biết: Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã, gia đình duy trì nuôi 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Đàn lợn luôn được chăm sóc, tiêm phòng cẩn thận; khu vực chuồng trại đều được phun khử khuẩn tiêu độc đúng quy trình. Vì vậy, đàn lợn của gia đình luôn an toàn trước các loại dịch bệnh.
Ông Trương Công Thắng, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ: Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyên môn ngay từ cơ sở, mà lực lượng nòng cốt để thực hiện công tác này là nhân viên thú y cấp xã.
Ngoài kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn mình quản lý, cán bộ thú y cơ sở còn tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi.
Hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi, thú y và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo quy hoạch, kế hoạch; hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và việc sử dụng, thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn phụ trách…
Đối với những địa phương có số lượng gia súc, gia cầm lớn, phạm vi chăn nuôi rộng, địa điểm phân tán, khó khăn trong việc quản lý, giám sát chăn nuôi, dịch bệnh trên địa bàn, nhân viên thú y cấp xã phải dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Anh Nguyễn Văn Cường, cán bộ thú y xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) làm công tác thú y từ năm 2014. Thời gian trước đây, một số hộ chăn nuôi trong xã còn thờ ơ với việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Để khắc phục tình trạng này, anh thường tranh thủ thời gian đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân. “Hiện nay, xã Sơn Lôi có trên 20.000 con gia cầm, 4.000 con lợn, 20 con trâu, 60 con bò được phân bổ ở các khu dân cư.
Hiện nay công tác kiểm soát giết mổ tại hộ gia đình trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp, thú y cơ sở lại vất vả hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ở đâu người dân báo có gia súc, gia cầm ốm, cán bộ thú y đến tận nơi kiểm tra, xác định nguyên nhân để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm.
Không dừng lại ở đó, họ còn phải đến nắm tình hình chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi; tuyên truyền với hộ chăn nuôi về dịch bệnh cúm gia cầm, đề nghị các hộ chăn nuôi không giấu dịch, không bán chạy gia cầm khi dịch xảy ra.
Công việc tuy vất vả, nhưng bằng sự tâm huyết với cái nghiệp thú y, họ vẫn luôn cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc được giao…
Ông Trương Công Thắng, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhấn mạnh: “Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, thiếu bài bản. Điều này dẫn đến tình trạng chăn nuôi thiếu an toàn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh dịch.
Các thú y viên như hệ thống vệ tinh, nhanh chóng phát hiện dịch bệnh, từ đó tham mưa, báo cáo cho cơ quan chuyên môn. Công tác duy trì, phát triển lực lượng thú y viên cơ sở là rất cần thiết”.
Văn Điệp