Hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Võ Trí Thành cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.
Từ tổng thể chung của nền kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất) cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, cần tính đánh giá, toán kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh,…
Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên, vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường. Cho nên phải làm sao mở ra được các thị trường cho doanh nghiệp, "thị trường tắc, thì không lĩnh vực nào thông được".
Ông Thiên cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ",… "Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm".
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng giải pháp giảm lãi suất là quan trọng, nhưng việc giữ an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng là yếu tố quan trọng không kém để hút các nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới.
Ông Tuấn cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu,…
Đồng bộ nhiều giải pháp
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Trong đó tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình kinh tế, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực, trong nước để có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, quản trị.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiếp độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản; có giải pháp khả thi, hiệu quả để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công, sớm đưa các dự án đi vào khai thác, kích thích đầu tư và chi tiêu khu vực tư nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng.
Chủ động thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh; có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tự tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và tuân thủ các quy định pháp luật, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương rà soát khung khổ pháp lý, kịp thời phát hiện và xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để chủ động sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định có liên quan, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, củng cố niềm tin, khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp, đồng thuận cao trong xã hội.