Cuối tuần này thời tiết sẽ hơi lạnh, đây chính là dịp để bạn trổ tài nấu những món nóng hổi và thơm ngon dưới đây.
1. Bữa sáng: Bún bò trộn
Nguyên liệu
+ Bún: 500 gram
+ Thịt bò: 300 gram
+ Rau sống: xà lách, rau mùi, húng bạc hà, kinh giới
+ Cà rốt: 1/2 củ
+ Giá đỗ: 50 gram
+ Lạc rang
+ Hành khô, tỏi khô, gừng
+ Nước mắm, đường, dấm, muối
Thực đơn món ngon cuối tuần cho gia đình (9/1)
Cách làm
- Bún chọn loại sợi nhỏ ăn sẽ ngon hơn nhé
Bún bò trộn cho ngày hè nóng nực 2- Thịt bò thái mỏng, ướp với một ít gừng đập dập rồi xào nhanh tay trên lửa to.
- Rau sống nhặt sạch, rửa và ngâm nước muối rồi vẩy thật sạch nước. Thái nhỏ rau sống. Cà rốt gọt vỏ, thái sợi.
- Lạc rang chín, tách vỏ, đập dập.
- Pha nước mắm: Đun sôi 1 muỗng đường với 4 muỗng nước, khi nước sôi cho 1 muỗng mắm và 1 muỗng dấm vào, trộn đều rồi tắt bếp, khi mắm nguội thì cho tỏi đập dập vào.
- Trụng giá và cà rốt qua nước sôi rồi xếp bún vào tô, cho rau sống, giá, cà rốt, thịt bò, lạc rang vào bát, thêm chút hành khô cho thơm. Khi ăn rưới nước mắm rồi trộn đều.
2. Bữa trưa: Gà không lối thoát
Nguyên liệu:
+ Gà mái tơ 1 con khoảng từ 1,2kg - 1,5kg
+ Gạo nếp: 1,2kg
+ Nước cốt dừa: 200ml
+ Hành khô: 100g
+ Gia vị, hạt nêm, dầu ăn
+ Màng bọc thực phẩm, nồi hấp cách thủy lớn.
Thực đơn món ngon cuối tuần cho gia đình (9/1)
Cách làm:
- Gạo nếp phải chọn loại dẻo ngon như nếp nương, nếp cái hoa vàng thì món gà không lối thoát mới giòn ngon. Vo gạo nếp thật sạch, ngâm nước có thêm 1 thìa muối hạt từ 6-8h cho gạo nở mềm. Vớt gạo ra xả lại thật sạch với nước rồi để ráo. Cho gạo vào nồi hấp cách thủy, dàn đều.
- Hành khô bóc vỏ, 1 phần hành khô thái lát cho vào chảo dầu phi thơm vàng thì vớt ra để riêng. Phần hành khô còn lại băm nhỏ. Gà nên chọn gà mái tơ cho mềm thịt, sơ chế thật sạch rồi chặt bỏ phần cổ, đầu, phao câu và chân dùng nấu vào món khác vì nếu để nguyên con sẽ rất khó bọc xôi sau này.
- Ướp gà với hành khô băm nhỏ, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê gia vị. Xát đều gia vị lên toàn thân gà kể cả trong phần bụng gà, để gà ngấm gia vị ít nhất 4h. Thông thường khi mình ngâm xong gạo nếp để đồ xôi thì sẽ ướp gà luôn rồi để vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản. Trước khi vớt gạo chừng 1h thì các bạn bỏ gà ra khỏi tủ lạnh cho gà trở về nhiệt độ thường.
- Chuẩn bị sẵn nồi nước sôi để hấp cách thủy, cho gạo vào khay hấp rồi cho gà lên trên gạo, bắc lên bếp để to lửa cho hơi nóng bốc mạnh và đều đến khi gà chín tới. Lưu ý là nồi hấp phải đủ rộng và cao để cho hết được gạo nếp và nguyên cả con gà vào đồ cùng lúc thì món xôi mới ngấm được phần nước ngọt tiết ra khi hấp gà, xôi sẽ mềm ngon ngọt béo ngậy hơn.
- Sau khi hấp khoảng 30 phút, các bạn thăm chừng xem gà chín bằng cách dùng đũa chọc nhẹ vào phần trong má đùi của gà, nếu nước tiết ra còn hơi hồng nhẹ là gà đã vừa chín. Không hấp gà chín quá kỹ vì còn bọc trong xôi chiên lại, nếu gà chín kỹ quá thì khi chiên kèm với xôi, thịt gà sẽ bị khô. Cho gà ra đĩa cho nguội bớt. Phần xôi trong nồi, các bạn cho 200ml nước cốt dừa vào trộn đều, tiếp tục đồ thêm khoảng 10 phút nữa cho xôi chín mềm và ngấm nước cốt dừa.
- Bỏ xôi ra và chuẩn bị bọc xôi vào gà. Dùng màng bọc thực phẩm căng rộng lên trên 1 khay lớn và phẳng, cho toàn bộ phần xôi đã hấp ra khay và dàn mỏng đều, các bạn dàn xôi hơi rộng một chút thì gói gà sẽ dễ hơn. Rắc lên xôi phần hành khô đã phi vàng và đặt gà vào giữa khay xôi.
- Từ từ ép cho xôi dính chặt và bao kín con gà, lên gói nhanh tay lúc xôi còn nóng thì mới tăng độ dẻo và kết dính của xôi, gói thật kỹ và chắc tay để khi chiên không bị vỡ gây ngấm dầu vào trong và món gà sẽ giữ nguyên hình dạng như trong quả trứng sau khi chiên.
- Phần gói xôi bên ngoài này các bạn phải làm thật cẩn thận vì món ăn có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc có gói kín gà và xôi gói có chắc tay hay không. Sau khi gói xong các bạn bóc bỏ màng bọc thực phẩm và để xôi gà nguội, hơi se mặt thì mang đi chiên trực tiếp.
- Dùng chảo chống dính lớn đủ để cho nguyên cả bọc xôi gà vào và cho ít nhất nửa chảo sâu lòng dầu ăn, đặt lên bếp cho nóng già rồi cho nguyên quả xôi bọc gà vào chiên vàng đều các mặt, vừa chiên có thể vừa múc dầu nóng trong chảo dội đều lên phía trên của quả xôi để xôi vàng đều và giòn thơm phía lớp ngoài. Giữ lửa chiên vừa phải và hạn chế hạ lửa khi chiên vì nếu để dầu không đủ nóng sẽ làm xôi bị giã nát. Sau khi chiên vàng, các bạn cho gà bọc xôi ra đặt lên giấy thấm dầu vài phút.
- Sau vài phút thấm dầu các bạn cho xôi ra khay hoặc đĩa rộng và thưởng thức nóng.
- Khi ăn, các bạn dùng kéo cắt nhẹ vào phần xôi rồi tách đôi hoặc tách 4, sẽ thấy phần thịt gà bên trong vàng ươm, nóng hổi tỏa mùi thơm đặc trưng của thịt gà và nếp ngon dẻo. Tùy sở thích có thể cắt gà thành miếng bày lên đĩa kèm với xôi chiên hoặc để nguyên con rồi dùng tay xé đều rất ngon.
3. Bữa tối: Canh hến nấu khế chua
Nguyên liệu:
+ Hến tươi: 1,5kg
+ Khế chua: 3 quả
+ Cà chua: 2 quả
+ Hành hoa, rau răm, hành khô
+ Rau sống rau thơm ăn kèm
+ Hạt nêm, dầu ăn.
Thực đơn món ngon cuối tuần cho gia đình (9/1)
Cách làm:
- Hến tươi sống mua về ngâm nước ít nhất 2h cho nhả sạch bùn đất. Rửa hến thật sạch rồi cho vào nồi, thêm nước bằng mặt hến rồi cho 1 thìa muối vào luộc chín cho hến há miệng.
- Nhặt riêng phần thịt hến, ướp với 1 thìa cà phê hạt nêm cho ngấm.
- Phần nước luộc hến để lắng rồi chắt lấy phần nước trong bên trên.
- Cà chua rửa sạch thái hạt lựu.
- Hành hoa rau răm nhặt rửa sạch thái nhỏ, phần cọng trắng chẻ dọc.
- Khế chua cắt bỏ diềm thái miếng ngang quả tạo hình sao cho đẹp mắt.
- Hành khô bóc vỏ thái lát mỏng. Cho chút dầu ăn vào chảo, cho hành khô vào phi vàng thơm.
- Cho hến và cà chua thái hạt lựu vào xào săn.
- Cho phần nước luộc hến vào nồi hến xào cà chua và thêm khế chua vào nấu cùng cho khế chín và tiết vị chua ra canh.
- Nêm nếm lại canh hến cho vừa miệng để canh có vị chua nhẹ của khế thì cho hành răm thái nhỏ vào và tắt bếp để hành răm giữ được màu xanh.
- Cho canh hến nấu khế chua ra bát to và thưởng thức khi nóng với cơm trắng thì cực kỳ ngon ngọt hấp dẫn. Nước canh chua nhẹ của khế nhưng rất đậm đà, vị thịt hến ngọt thanh lại thơm mùi hành răm, ngon miệng và trôi cơm lắm nhé.
(Theo Emdep.vn)