Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Quốc Ca, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm có thêm kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng công nghệ IoT (Internet kết nối vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo) vào sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, phát triển sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ, phát huy năng lực thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết cung ứng trong vùng kinh tế thủ đô, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó có thêm cơ sở để nghiên cứu, hoạch định cơ chế chính sách phát triển, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội và cả nước.
Ông Đỗ Bá Tước, Giám đốc Tư vấn giải pháp sản xuất thông minh FPT Software cho biết, AI giúp các doanh nghiệp sản xuất hiểu thông tin để đưa ra các hỗ trợ, quyết định, phát hiện, dự đoán… Còn IoT kết nối các thiết bị, cảm biến để thu thập thông tin dưới hiện trường đưa lên cho AI xử lý. AI và IoT là các thành phần công nghệ, cần một chuỗi hệ thống tích hợp chúng với hoạt động sản xuất, kinh doanh để có thể vận hành và sử dụng chúng hiệu quả.
Ông Tước chia sẻ một số dự án mà FPT Software đã triển khai thành công.
Điển hình là hệ thống MES (quản lý thực thi sản xuất) tại một doanh nghiệp Nhật Bản thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng, có hiện diện trên 30 nước với 18.000 nhân viên, doanh thu 6 tỷ USD.
Doanh nghiệp này phải quản lý khoảng 1.500 SKUs (mã sản phẩm), trung bình trên 1.000 giao dịch/ngày, trong khi hệ thống ERP (quản trị tổng thể doanh nghiệp) đã quá cũ (hoạt động khoảng 30 năm nay).
Vấn đề lớn đối với doanh nghiệp là các hoạt động nhập vật liệu, tồn kho, sản phẩm đang gia công, thành phẩm… đều được quản lý thủ công, tốn giấy tờ, khó phát hành và thu thập thông tin sản xuất, không thể truy xuất dữ liệu cần thiết nên thiếu thông tin để ra quyết định.
Nhờ ứng dụng AI và IoT trong hệ thống MES do FPT Software triển khai, doanh nghiệp Nhật Bản đã nâng cao năng suất vận hành kho bởi có thể lập lịch điều phối trước và chính xác các AVG (xe tự hành) đến vị trí cần thiết; Giảm nhân lực kiểm soát khi số hóa hoàn toàn thông tin truy xuất; Giảm chi phí vận chuyển vì đã tối ưu hóa hoạt động sắp xếp hàng vào pallet; Nhanh chóng phản ứng tốt với yêu cầu thay đổi nhờ luôn kịp thời nắm rõ thông tin vì mọi bộ phận đều đã số hóa và kết nối với nhau.
Một ví dụ khác là nền tảng dữ liệu thống nhất (giải pháp ứng dụng IoT) trong nhà máy của 1 tập đoàn năng lượng sạch ở Mỹ, có sự hiện diện ở trên 100 quốc gia, với 82.000 nhân viên, doanh thu 37 tỷ USD.
Vấn đề lớn của tập đoàn này là có 18 nhà máy đặt tại đa quốc gia với nhiều loại máy móc cả cũ và mới. Mỗi khi lỗi xảy ra thì phục hồi rất chậm, bởi khó xử lý khi các nhà máy trên thế giới khó giao tiếp về ngôn ngữ, lệch múi giờ.
Giải pháp của FPT Software kết nối phần lớn thiết bị của họ thông qua hơn 150 ứng dụng. Khi thu thập dữ liệu, tính năng chính của hệ thống giúp doanh nghiệp ngồi một chỗ có thể quan sát tình trạng máy móc của tất cả 18 nhà máy; có thể cảnh báo lỗi bất thường, dự báo bảo trì, đặc biệt, có thể cung cấp dữ liệu cho các hệ thống khác.
Sau 3 năm triển khai cho 18 nhà máy, giải pháp của FPT Software đã giúp tập đoàn năng lượng sạch của Mỹ giảm lãng phí khoảng 4 triệu USD/năm nhờ rút ngắn thời gian sản xuất, giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm.