Đã từ lâu Hải Phòng là nơi hội tụ không những của nghề cá vịnh Bắc Bộ, mà còn là nơi tập kết hàng thủy sản thương phẩm cũng như con giống, vật tư để cung cấp cho thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, với các đầu mối giao thông của quốc lộ 5, 10, 18, sân bay Cát Bi… hàng thủy sản có thể từ đây tỏa đi khắp các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Bởi vậy, một trong các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 trong chuyển đổi số nông nghiệp là 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ chuyển đổi số của trung ương, thành phố và của ngành; trên 50% số hộ nông dân được tiếp cận với các dịch vụ số, dữ liệu số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Với lĩnh vực thủy sản, xây dựng dữ liệu và quản lý các vùng nuôi thủy sản, khu vực biển nuôi thủy sản, ngư trường khai thác thủy sản, khu bảo tồn nguồn lợi, khu vực cần bảo vệ nguồn lợi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thủy sản; các tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão...; theo dõi diễn biến tình hình sản xuất, thời tiết, khí hậu, diễn biến môi trường sản xuất trong thủy sản; số hóa các quy trình, nghiệp vụ và cung cấp dữ liệu, dịch vụ số hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, viễn thám, cảm biến, nano, tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản, quản lý môi trường ao nuôi, thu hoạch và bảo quản sản phẩm, dự báo và tìm kiếm ngư trường khai thác thủy sản. Triển khai nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, giám sát sản lượng, truy xuất sản phẩm thủy sản trên phương tiện điện tử; quản lý tàu cá bằng thiết bị giám sát hành trình, viễn thám; chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, giám sát các hoạt động tại cảng cá.

Về chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, các sở, ban, ngành trong Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020 định hướng đến 2025; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua Quy hoạch Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; thu hút đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh chủ trương nhân rộng các mô hình, dự án nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao gắn với xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, Hải Phòng đã chú trọng triển khai chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường bệnh dịch làm công cụ quản lý và hướng dẫn các sở cơ sở nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

Các công nghệ áp dụng phổ biến trong nuôi trồng thuỷ sản tại Hải Phòng: công nghệ ao nổi lót bạc HDPE, nhà bạt nuôi tôm qua đông, sử dụng máy khử trùng nước bằng tia cực tím, nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng Biofloc…

Để ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học và công nghệ, phát huy thế mạnh “mạnh từ biển, làm giàu từ biển”, Hải Phòng đã và đang đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tập trung nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất giống thủy sản (trọng tâm là thuỷ sản nuôi lợ, mặn) có năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao tại các vùng nuôi tập trung các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế (tôm nước lợn, cá biển, cá vược…) nhằm nâng cao năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích.

Thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn tới đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng, tập trung nguồn lực cho hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất thủy sản; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư (Thành phố, Trung ương) cho xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu dùng chung của các cơ sở sản xuất giống, vùng nuôi trồng thuỷ tập trung, ứng dụng công nghệ cao (hệ thống thuỷ lợi, điện, giao thông…).