Nhiều năm kinh doanh tại chợ Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc), nguồn khách hàng của chị Trần Mỵ Cẩm, chủ quầy hàng gia vị, đồ khô chủ yếu là người dân đi chợ và khách hàng lâu năm.
Nhận thấy việc buôn bán trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là cơ hội, tiềm năng phát triển kinh doanh, nâng cao thu nhập, song chị cùng nhiều tiểu thương khác tại chợ vẫn chưa thể tiếp cận do nhiều yếu tố.
Theo chị Cẩm, việc triển khai bán hàng trực tuyến đòi hỏi tiểu thương phải bảo đảm các yêu cầu bán hàng trên các nền tảng.
Dù vậy, năng lực kinh doanh, tiếp cận công nghệ của tiểu thương vẫn còn hạn chế. “Bên cạnh việc bán trực tiếp, tôi thi thoảng vẫn đi giao hàng khi có đơn. Nếu mở rộng kinh doanh, tôi sẽ triển khai thêm việc livestream bán hàng”, chị Cẩm chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, chủ quầy hàng quần áo tại chợ Hòa Khánh cho rằng, so với hình thức bán hàng trực tuyến, việc kinh doanh tại chợ truyền thống ngày càng ảm đạm và vắng khách do xu hướng, nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng thay đổi.
Để nâng cao doanh số, chị triển khai việc livestream trên mạng xã hội, chạy quảng cáo, quay và dựng video đăng tải trên tiktok để giới thiệu đến nhiều khách hàng.
Sau thời gian triển khai, lượng khách hàng tiếp cận và mua hàng thay đổi rõ rệt. “Việc mua bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đã quá quen thuộc. Nếu tiểu thương không ứng dụng nhanh chóng thì rất khó cạnh tranh”, chị Vân cho hay.
Theo Ban quản lý các chợ quận Liên Chiểu cho biết, trên địa bàn quận có 10 chợ; trong đó, 3 chợ Hòa Khánh, Hòa Mỹ, Nam Ô trực thuộc ban quản lý và 7 chợ khác thuộc UBND các phường quản lý.
Phần lớn, các tiểu thương các chợ truyền thống chỉ sử dụng những nền tảng mạng xã hội để đăng bài bán hàng hoăc quảng cáo.
Nhiều tiểu thương là người lớn tuổi, gặp hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ, chưa quen với việc sử dụng các nền tảng trực tuyến để quảng bá và bán hàng; chưa có kinh nghiệm giao tiếp, tương tác trong quá trình livestream.
Các trang cá nhân của tiểu thương đều không có lượng theo dõi cao; chất lượng, mẫu mã hàng hóa hiện nay tại chợ chưa đa dạng, phong phú, dẫn đến việc livestream sẽ “kén” khách hàng bởi nhu cầu của người tiêu dùng là chọn mua những trang bán hàng uy tín, bảo đảm chất lượng, giá cả và lượng tương tác nhiều.
Mặt khác, một số tiểu thương không đủ vốn đầu tư vào việc xây dựng kênh bán hàng trực tuyến; việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của nền tảng còn nhiều hạn chế…
Ông Nguyễn Đây, Trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu cho rằng, tiểu thương ở các chợ truyền thống vẫn có tiềm năng lớn trong thương mại điện tử, song để họ thành công cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và các chương trình đào tạo thực tiễn, cụ thể như: hỗ trợ đào tạo kỹ năng, chi phí ban đầu tham gia sàn thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu, kết nối với hệ thống logistics.
Thời gian đến, Ban quản lý các chợ quận Liên Chiểu sẽ tăng cường tuyên truyền về lợi ích, quảng bá các thông tin về thương mại điện tử nâng cao nhận thức của tiểu thương.
Đồng thời thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, bảo đảm hạ tầng Internet; hỗ trợ thiết bị, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng quản lý bán hàng…
Theo Phòng Kinh tế quận Liên Chiểu, từ tháng 11-2024, quận phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các đơn vị giải pháp thương mại điện tử, chuyển đổi số triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử tại chợ truyền thống trên địa bàn năm 2024 như: thu thập thông tin, hướng dẫn, tập huấn các tiểu thương tham gia ứng dụng giải pháp bán hàng thông qua thương mại điện tử; tổ chức “Lễ phát động chương trình ứng dụng chuyển đổi số tại chợ Hòa Khánh” vào ngày 20-12; phiên Mega livestream quảng bá các sản phẩm đặc trưng, đặc sản chợ Hòa Khánh, sản phẩm OCOP, truyền thống của quận Liên Chiểu.
Ông Võ Văn Khanh, Trưởng hiệp hội Thương mại điện tử khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, đơn vị đã hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá năng lực của tiểu thương tại chợ Hòa Khánh và xây dựng lộ trình đào tạo, tập huấn phù hợp, nâng cao kỹ năng, năng lực cạnh tranh và phù hợp với xu thế hiện nay.
Cùng với sự chỉ đạo, quan tâm của chính quyền địa phương, đồng hành của các nền tảng mạng xã hội, việc hưởng ứng của tiểu thương là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của chương trình.
“Việc triển khai các chương trình hỗ trợ tiểu thương phát triển thương mại điện tử tại Đà Nẵng không chỉ nâng cao nhận thức cho tiểu thương, giúp tiểu thương tiếp cận với các xu thế bán hàng mới mà còn nâng cao tỷ lệ hàng Việt, sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương trong việc kinh doanh, cải thiện vấn đề logistics, an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Khanh chia sẻ.
Theo VĂN HOÀNG (Báo Đà Nẵng)