Ngày 30/11/2023, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phổ cập công nghệ blockchain.
Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác (có hiệu lực trong 2 năm kể từ ngày ký), trong thời gian đầu, hai bên tập trung hợp tác triển khai một số nội dung chính gồm: Nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách quốc gia về tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương; Nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Giảng dạy, phổ cập giáo dục về một só công nghệ mới như blockchain, AI…; Nghiên cứu đề xuất xây dựng các văn bản, chính sách, tiêu chuẩn về việc quản lý mật mã dân sự trong các nền tảng công nghệ mới.
Tại Lễ ký kết, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, Ban Cơ yếu Chính phủ đang tích cực tiếp cận công nghệ mới blockchain theo hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ, xây dựng nền tảng cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia.
Thiếu tướng đánh giá cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận, là đối tác quan trọng, chiến lược, có vai trò cầu nối giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ blockchain và các ứng dụng mang tầm vóc quốc gia, góp phần thay đổi tích cực cuộc cách mạng 4.0 mà Việt Nam đang theo đuổi.
“Đề nghị hai bên cùng bàn lộ trình hàng quý, xác định những việc cần làm liên quan tới căn cứ pháp lý, hoặc xác định các ứng dụng cụ thể có thể thí điểm triển khai”, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm khuyến nghị.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Nguyễn Đoan Hùng nhấn mạnh, sự hợp tác với Ban Cơ yếu Chính phủ vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong việc đóng góp trí tuệ, nhân sự, công nghệ nhằm thúc đẩy ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực “xương sống” của đất nước như: Giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, an sinh xã hội, quản lý dân cư, an ninh, quốc phòng…
“Với phạm vi hợp tác sâu rộng từ nghiên cứu lý thuyết tới các ứng dụng thực tiễn cũng như đề xuất, thúc đẩy ban hành khuôn khổ pháp lý phù hợp để các cơ quan nhà nước có thể từng bước vừa quản lý, vừa thúc đẩy quá trình sáng tạo, phát triển của các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối blockchain, big data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) và IoT (Internet kết nối vạn vật), chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ là tiền đề góp phần có trách nhiệm vào sự thay đổi đáng kể trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay”, ông Nguyễn Đoan Hùng nói.
Ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch Tập đoàn MK bày tỏ mong muốn sớm có hợp tác cụ thể giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Ban Cơ yếu Chính phủ để có kết quả rõ ràng trong một số lĩnh vực, đặc biệt là tiền điện tử, tiền kỹ thuật số.
Còn Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã Hoàng Văn Thức mong muốn sau khi thỏa thuận hợp tác giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và Hiệp hội Blockchain Việt Nam có hiệu lực, Học viện sẽ có thể thông qua “cầu nối” Hiệp hội Blockchain Việt Nam tiếp cận với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước và quốc tế để có thể tham gia quy trình đào tạo nguồn nhân lực đối với một số lĩnh vực công nghệ cao; tổ chức, nghiên cứu một số hội nghị, hội thảo lớn tầm quốc gia…