80% doanh nghiệp lên kế hoạch sớm thực hành phát triển bền vững
Ngày càng nhiều doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm tới các tiêu chí ESG - bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp như một phương pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như thuyết phục người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm dịch vụ.
Tuy nhiên, việc lồng ghép cũng như kết hợp những tiêu chí này vào quá trình phát triển thương hiệu của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Chia sẻ tại tọa đàm “ESG: Biến cam kết thành hành động” ngày 9/11, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ năm 2016 đến nay, VCCI đã giới thiệu đến các doanh nghiệp Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) và được cập nhật hàng năm để phù hợp với những thay đổi trong chính sách pháp luật hiện hành trong nước và các quy định quốc tế. Khi soi chiếu vào Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp sẽ có thể đánh giá tổng thể “sức khỏe” của mình về quản trị, kinh tế, xã hội, môi trường, trên cơ sở đó phát hiện ra những lỗ hổng cần khắc phục cũng như những tiềm năng phát triển cần được khai thác sớm.
Tuy nhiên, báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 do PwC Việt Nam và Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) thực hiện với 234 doanh nghiệp, 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG.
Mặt khác, khi yêu cầu xếp hạng ba yếu tố E-S-G, 62% doanh nghiệp lựa chọn quản trị (G) là ưu tiên hàng đầu trong chương trình triển khai. Trong khi đó, các yếu tố môi trường (E) và xã hội (S) xếp sau với tỷ lệ lần lượt là 22% và 16%. Việc tập trung vào yếu tố quản trị có thể do các doanh nghiệp tin tưởng rằng quản trị mạnh hơn sẽ dẫn đến việc ra quyết định tốt ở hai khía cạnh còn lại.
Bên cạnh đó, báo cáo này cũng đưa ra một số thách thức, rào cản trong việc doanh nghiệp thực hành ESG tại Việt Nam. Cụ thể, 71% doanh nghiệp thiếu hiểu biết về dữ liệu cần có để báo cáo, 70% doanh nghiệp chưa có hoặc hạn chế báo cáo ESG và chỉ 36% doanh nghiệp sử dụng đối tác bên ngoài để xác thực các thông tin ESG được công bố.
Do đó, ông Vinh nhấn mạnh, thuật ngữ “chuyển đổi hệ thống” đang dần được sử dụng ngày càng rộng rãi như một yêu cầu then chốt nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.
“Chuyển đổi có nghĩa là thay đổi toàn diện về tư duy, bao gồm làm mới, tái tạo và kiến tạo những cách nghĩ và cách làm hoàn toàn mới dựa trên những nền tảng tư duy mới và những nguồn giá trị mới. Bởi kinh doanh theo cách chúng ta từng biết, từng làm không còn là lựa chọn phù hợp để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và mang lại cho doanh nghiệp sức chống chịu tốt cũng như năng lực cạnh tranh hiệu quả nữa. Thời gian còn lại đến năm 2030 là giai đoạn mang tính quyết định,” ông Vinh nói.
Dù thách thức, ESG là cơ hội giúp doanh nghiệp phát triển
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, ESG là khái niệm xuất hiện với tần suất nhiều hơn, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã công bố báo cáo ESG và có thành tựu nhất định trong công tác này.
Theo đó, các doanh nghiệp tiên phong trong ESG đều là các công ty có quy mô lớn, các doanh nghiệp FDI và là các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu, quan tâm đến các yêu cầu của thị trường liên quan phát triển bền vững.
Thế nhưng, theo bà Hương, với việc 97,8% các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì ESG vẫn là khái niệm khá mới mẻ.
Trong các khảo sát gần đây, các doanh nghiệp cho biết, thách thức đầu tiên trong thực hành ESG là thiếu thông tin và kiến thức, đa số doanh nghiệp băn khoăn phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, thực hành có tốn kém hay không…?
Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nhìn nhận ESG không phải là gánh nặng về chi phí, mà cần coi đó là khoản đầu tư, và đầu tư để thu lại lợi ích.
Theo bà Hương, khi thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tuân thủ đúng quy định pháp luật mà còn đáp ứng yêu cầu thị trường, dẫn đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ cao hơn và từ đó sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn xanh dễ dàng hơn.
Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng Ban Quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, ESG chính là công cụ lượng hóa để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Hải, việc tiếp cận thông tin để có sự hiểu biết đầy đủ và nắm vững công cụ là một thách thức không chỉ riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ mà kể cả doanh nghiệp có quy mô lớn.
Để giúp doanh nghiệp lồng ghép các tiêu chí ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, VBCSD đã cung cấp các hướng dẫn cụ thể về kết hợp ESG trong chiến lược phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp có thể áp dụng các bộ chỉ tiêu để căn cứ vào đó lượng hóa các tiêu chí ESG và áp dụng vào thực tế doanh nghiệp.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, bà Hương cho biết, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định 167 phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó có hai nhóm chính sách và giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tạo dựng hệ sinh thái để đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua xây dựng bộ công cụ, các đội ngũ tư vấn để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Các giải pháp hỗ trợ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguồn vốn của nhà nước là nguồn vốn mồi để huy động các nguồn lực của xã hội đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp. Cùng với đó, là các hoạt động đào tạo, tư vấn, kết nối về thị trường, kết nối về công nghệ… Chính phủ bố trí nguồn lực từ nguồn triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ họ thực hành các mô hình kinh doanh bền vững.