10 triệu hộ nông dân sản xuất với 10 triệu thửa đất, một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thì để kiểm soát, để tổ chức lại, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không phải ngày một ngày hai

Để giải quyết căn cơ vấn đề được mùa mất giá nông sản lâu nay, các nhà phân tích cho rằng một trong 3 yếu tố căn cơ là phải hướng đến xây dựng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, tổ chức lại ngành hàng và cần tổ chức lại được sản xuất.

Trong tương lai, nông nghiệp là một trong những ngành quan trọng tạo ra sự giàu có cho quốc gia. Để nền nông nghiệp phát triển bền vững hiệu quả, thì việc chú trong đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đóng vai trò quan trọng.

{keywords}
Ứng dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp 

Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là sản xuất một loại sản phẩm có chất lượng giống nhau, với một số lượng lớn, trên một địa bàn tập trung. Mục tiêu của sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhằm đạt các mục tiêu: Nâng cao sự đồng đều về chất lượng với một số lượng sản phẩm lớn, nhằm chiếm lĩnh một thị trường nhất định; Tạo điều kiện để sử dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến, nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để tăng năng suất lao động và năng suất đất đai. Tạo điều kiện để thực hiện sự phân công lao động tốt nhất, tận dụng những kinh nghiệm và kỹ năng cao nhất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho những người tham gia lao động….

Với thực trạng là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì không cách nào khác là phát triển kinh tế tập thể để liên kết các đầu mối, thông qua hợp tác xã. Mọi thông tin truyền thông, định hướng, phổ biến chính sách… phải trực tiếp hơn. 

Theo phân tích của một số chuyên gia, đối với doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng có công nghệ cao chuyên sản xuất con giống, cây trồng để cung cấp cho các nông trường, các hợp tác xã, các nông trại, hoặc cung cấp các dịch vụ như cày xới đất, gieo giống trên diện tích lớn, gặt, đập... Các doanh nghiệp loại này có thể tổ chức chuyên môn hóa theo vùng sản xuất. Sự phù hợp của cây trồng, vật nuôi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất cần được quan tâm đúng mức. Cây trồng, vật nuôi trước khi triển khai đại trà cần phải được trồng, nuôi thử trên vùng đất có điều kiện tương tự với vùng đất sản xuất.

Các nông trường sản xuất khép kín, áp dụng đối với các loại sản phẩm đòi hỏi điều kiện vệ sinh thực phẩm cao, điều kiện phòng chống dịch bệnh cao. Ví dụ như chăn nuôi bò lấy sữa, chăn nuôi bò lấy thịt...; chăn nuôi gia cầm, gia súc, như gà, lợn... Việc thành lập các nông trường loại này phải có quy hoạch cho những khu sản xuất cách biệt, đảm bảo cho việc phòng chống bệnh dịch như có đồng cỏ riêng, nơi cho vật nuôi tắm, nghỉ ngơi riêng... và cách biệt với môi trường bên ngoài. Nếu có dịch bệnh bên ngoài cũng không thể lây lan vào nơi sản xuất.

Bên cạnh đó, hợp tác xã kiểu mới được hình thành trên cơ sở các làng, xã hành chính. Các hợp tác xã phải là một đơn vị kinh doanh tự nguyện của những người dân, nó không chịu sự chi phối của chính quyền hành chính về mặt tổ chức sản xuất.

Các nông trang, nông trại được coi là mô hình sản xuất mang tính doanh nghiệp tư nhân, do những hộ gia đình, hoặc cá nhân có đầu tư lớn để cung cấp cho xã hội những sản phẩm nông nghiệp với quy mô vừa hoặc lớn.

Những nông trang, nông trại này phải đăng ký sản xuất con gì, cây gì, và sản xuất theo quy trình như thế nào, và cũng phải thực hiện ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, để các cơ quan quản lý vĩ mô có thể kiểm soát khối lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ hàng năm của toàn bộ nền kinh tế.

Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu để tình trạng sản xuất tự phát tiếp tục kéo dài thì các hiện tượng sản xuất lúc quá thừa, lúc qua thiếu, sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh... sẽ vẫn tiếp tục xảy ra và gây nhiều thiệt hại lớn.

Ngọc Ánh