Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, từ khi Dự án 8 được triển khai đã có nhiều mô hình được thực hiện thành công như khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn bắt đầu công việc kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Đến nay, các cấp Hội của 5 huyện miền núi đã xây dựng 29 tổ liên kết/tổ hợp tác, có 439 thành viên tham gia và xây dựng 8 Hợp tác xã, có 85 thành viên tham gia. Nhiều hợp tác xã do phụ nữ tham gia hoạt động hiệu quả như Hợp tác xã Sơn Liên - Sơn Tây, Hợp tác xã Cao Muôn (huyện BaTơ)… Mô hình tổ hợp tác như: Tổ hợp tác nấu đám tiệc, mô hình làm chổi đót, hàng thủ công mỹ nghệ bằng quế và tinh dầu quế… tại huyện Ba Tơ, Trà Bồng… Các mô hình này được thành lập đã phát huy, tạo được việc làm cho hàng trăm lao động nữ với mức thu nhập ổn định từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng.

W-anhminhhoa-4.png
Ảnh minh hoạ

Các mô hình kinh tế, dịch vụ được triển khai thực hiện và quản lý, qua đó đã tạo ra việc làm tại chỗ và mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ nghèo và cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Thu nhập từ chính các mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện và quản lý đã giúp cho các hộ gia đình của hội viên có thêm nguồn tài chính để trang trải cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương.

Tại Ba Tơ, HTX Nông nghiệp Cao Muôn được thành lập với sự tham gia của khoảng 15 thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân chuyên trồng, nuôi các cây, con đặc sản của địa phương và của cả các hộ dân chuyên đi tìm, “săn” các đặc sản của núi rừng. Bên cạnh việc giúp người dân tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng cao, HTX còn liên kết với Tổ hợp tác chuyên dệt, may thổ cẩm ở Làng Teng để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Tại cửa hàng của HTX còn có một không gian để dành cho nghệ nhân dệt hằng ngày và trưng bày các sản phẩm do mình làm ra.

Huyện miền núi Trà Bồng có khoảng 80% hội viên phụ nữ huyện là người dân tộc thiểu số. Trước đây, đa số sản xuất theo tập quán canh tác lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm làm ra chưa đạt yêu cầu, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi Dự án 8 được triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế; hỗ trợ sinh kế để chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương; hỗ trợ vốn đối ứng để hội viên xây dựng các tổ hợp tác, mô hình liên kết sản xuất.

Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số Trà Bồng tự tin trong làm kinh tế. Các chị không những biết cách chăn nuôi mà còn biết cách phòng bệnh cho vật nuôi; mạnh dạn vay vốn, xây dựng chuồng trại để thả nuôi hàng trăm con gà thịt hàng chục con lợn.

Được biết, để có thể hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các cá nhân, tập thể hiện thực hóa các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh; hướng dẫn để các cá nhân, tập thể hoàn thiện ý tưởng và triển khai thực hiện các ý tưởng/kế hoạch kinh doanh tại địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, thành lập các tổ hợp tác do nữ quản lý và xây dựng nhiều mô hình, tổ nhóm sinh kế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh.

Đức Yên và nhóm PV, BTV