Mỗi ngày tan học về nhà, em Thế Minh ở Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) cất cặp sách và nhanh tay vơ lấy chiếc điện thoại, mải miết xem các chương trình yêu thích. Hành động của Minh khiến bố mẹ không hài lòng khi em không tự giác ấn định thời gian kết thúc xem điện thoại mà thường là khi người lớn yêu cầu hoặc quát mắng em mới chủ động tắt máy.
Với Nguyễn Quỳnh Anh ở Gia Lâm (Hà Nội) thì khác. Em được bố mẹ chủ động sắm cho một chiếc ipad để vừa học các chương trình trực tuyến, vừa liên hệ với ông bà ở quê và các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, bố mẹ em cũng rất lo lắng bởi khi sử dụng ipad, em có thể tiếp xúc với các thông tin không lành mạnh, giật gân trên mạng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý.
Thực tế đã ghi nhận, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng có xu hướng “nghiện” Internet và mạng xã hội qua việc dành quá nhiều thời gian “lướt” trên điện thoại mà không đặt mối quan tâm vào một vấn đề nào nhất định.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), hơn 66% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Trong đó, hơn 43% có thời gian sử dụng trung bình từ 1 - 3 tiếng/1 ngày. Độ tuổi trẻ em Việt Nam sử dụng các thiết bị công nghệ vào Internet và mạng xã hội trung bình là 9 tuổi, sớm hơn 4 năm so với thế giới – độ tuổi vẫn còn non nớt để có thể nhận thức những nguy cơ từ mạng xã hội.
Kết quả Báo cáo quốc gia Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng cho thấy, 23% trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn, 8% trẻ đã từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân, 2% trẻ đã được yêu cầu nói chuyện về tình dục khi trẻ không muốn. Tuy nhiên, 43% trẻ không nói với ai vì cho rằng sẽ chẳng giải quyết được.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Để đạt những mục tiêu chương trình đề ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Trẻ em đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức nhiều khóa tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã và các ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Giáo dục...
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã và đang nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển và bởi tính năng không giới hạn về thời gian và không gian, khó nắm bắt, quản lý của không gian mạng, nên cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đơn vị và địa phương trong công tác quản lý.
Trong đó, thực hiện các giải pháp về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng trẻ em về quyền trẻ em, tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng và kỹ năng tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng...
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng với sự tham gia của các thành viên là doanh nghiệp, tổ chức, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia công nghệ và an ninh mạng, cùng với việc tăng cường trang bị kỹ năng số an toàn cho trẻ để các em tự bảo vệ mình thì cần truyền thông trang bị các kiến thức, kỹ năng giúp cha mẹ, thầy cô giáo hỗ trợ, đồng hành định hướng cho trẻ em sử dụng mạng Internet an toàn.
Với cha mẹ, cần tự tìm hiểu, lựa chọn các website có nội dung phù hợp để định hướng cho các con. Sau đó cần thống nhất với con về danh sách các website mà con nên truy cập. Bên cạnh đó, thống nhất với các con về khung giờ sử dụng các thiết bị thông minh, chỉ sử dụng ở các khu vực sinh hoạt chung của gia đình như phòng khách, phòng làm việc của bố mẹ để tiện quan sát con.
Như vậy, việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội lành mạnh, hiệu quả cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà cả cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, gia đình và chính bản thân những đưa trẻ đang sử dụng mạng xã hội từng ngày, từng giờ.
Hải Minh