- Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý trả lời phỏng vấn trước thềm các hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7), hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào – Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8) và hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF - Mekong).
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý |
Ba hội nghị ACMECS 7, CLMV 8 và WEF - Mekong là chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất của nước ta trong năm 2016. Mục đích của Việt Nam là thúc đẩy các lợi ích của đất nước trong hợp tác khu vực Mekong, củng cố và phát huy quan hệ truyền thống với các nước láng giềng, góp phần làm cho các cơ chế hợp tác này phát triển theo hướng thực chất hơn.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Việc tổ chức thành công các hội nghị nói trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trên tất cả các mặt: chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa; vì lợi ích của chúng ta nhưng cũng vì lợi ích của những nước láng giềng anh em gắn bó mật thiết trong tiểu vùng Mekong.
- Thứ trưởng cho biết những đóng góp của Việt Nam đối với các hội nghị này?
Là nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất và được các nước nhất trí chủ đề của hội nghị cấp cao CLMV 8 là “Nắm bắt cơ hội, định hình tương lai”; chủ đề của hội nghị cấp cao ACMECS 7 là “Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng”; chủ đề hội nghị WEF-Mekong là “Tìm kiếm sự thống nhất: Các nhà lãnh đạo khu vực chia sẻ tầm nhìn về khu vực Mekong”.
Các chủ đề này thể hiện được mục tiêu chung của các nước là xây dựng một tiểu vùng Mekong hòa bình và thịnh vượng; làm nổi bật sự năng động, khả năng nắm bắt cơ hội mới của các nước Mekong; cũng như sự cần thiết phải đổi mới và xác định hướng đi phù hợp cho hợp tác trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đề nghị với các nước thành viên ACMECS, CLMV về các biện pháp tăng cường thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đi đôi với hợp tác hướng tới phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đưa ra nhiều sáng kiến, lớn nhất là việc mời Diễn đàn Kinh tế Thế giới tham gia và lần đầu tiên tổ chức hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF-Mekong) nhằm kết nối doanh nghiệp với các nguyên thủ, với các nhà hoạch định chính sách với nhau, hy vọng họ gần nhau hơn và đi đến với những dự án cụ thể, biến những nội dung trên giấy tờ, trên tầm nhìn trở thành những dự án hợp tác cụ thể.
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong và hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam?
Hiện tại, trong tiểu vùng Mekong có 12 cơ chế hợp tác, trong đó hai cơ chế này là cơ chế hợp tác của các nước trong nội vùng Mekong. Thành, bại của hai cơ chế hợp tác này có ý nghĩa rất quan trọng đối với nội lực của tiểu vùng. Nếu nội lực của tiểu vùng được củng cố và tăng cường thông qua hai cơ chế này thì hiệu quả của 10 cơ chế còn lại sẽ gia tăng.
Với cách tiếp cận như trên, từ khi tham gia ACMECS và CLMV chúng ta đã có nhiều nỗ lực thực hiện vai trò của mình. Trong các nước CLMV, chúng ta có một số thế mạnh về quy mô kinh tế, kinh nghiệm phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, chúng ta đã đưa ra các sáng kiến, đóng góp nguồn lực để thúc đẩy việc kết nối cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, khai thác bền vững tài nguyên, thúc đẩy các dự án phát triển chung của bốn nước.
Trong ACMECS, chúng ta cũng nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung nhằm phát huy các tiềm năng, thúc đẩy phát triển bền vững, cùng các nước thành viên tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn với các đối tác trong và ngoài ASEAN.
Có thể nói, hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong và hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng lòng tin, tạo ra sự hấp dẫn chung đối với các nước đối tác bên ngoài, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Thái An