UBND tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn VNPT vừa tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024 - 2030 về Chuyển đổi số với các chương trình kế hoạch hành động cụ thể, nhằm mục tiêu thực hiện thành công chiến lược phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số hướng tới xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh.

Hai bên cam kết sẽ huy động nguồn lực tổng hợp để đồng hành cùng thực hiện tốt nhất thỏa thuận hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi bên để mang lại lợi ích cao nhất cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp, đưa tỉnh Tây Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số trên cả nước.

Chứng kiến lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng bày tỏ mong muốn, kết quả đạt được của thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024-2030 về Chuyển đổi số tới đây sẽ cao hơn, thiết thực và hiệu quả hơn nữa để Tây Ninh có thể khai thác được tối đa những tiềm năng của địa phương, đạt được những bước phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT chia sẻ về một số hạng mục trọng điểm VNPT sẽ triển khai ngay cho Tây Ninh trong từng lĩnh vực cụ thể về xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Những chuyển biến tích cực thời gian qua là minh chứng sống động cho thấy, chuyển đổi số đã thực sự giúp Tây Ninh khai mở, tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội bứt phá hơn nữa, khẳng định vị trí của tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trên cả nước.

W-tayninh.png
Ảnh minh hoạ

Là cửa ngõ đường bộ quốc tế lớn nhất phía Nam, có đường biên giới dài gần 240km giáp Campuchia, Tây Ninh không chỉ là đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong Tiểu vùng sông Mekong mà còn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Với lợi thế này, Tây Ninh tập trung phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối vùng, góp phần lan tỏa, phát triển trục hành lang đô thị, công nghiệp của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện Tây Ninh có 6 khu công nghiệp đang hoạt động, đã được lấp đầy gần 80% diện tích. Quỹ đất công nghiệp có thể triển khai ngay là trên 800ha, có khả năng tiếp nhận các dự án có quy mô diện tích lớn, với hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi, chi phí đầu tư hợp lý so với các địa phương trong khu vực.

Để phát huy lợi thế này, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra 7 đột phá chiến lược gồm đột phá về phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững Tây Ninh xanh, phát triển du lịch và phát triển kinh tế dịch vụ.

Với lợi thế lân cận với Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh có nhiều cơ hội được tiếp cận với những thành tựu khoa học công nghệ đi đầu, tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số.

Thời gian qua tỉnh không ngừng đổi mới tư duy phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử- văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị nhằm khai thác tốt vị trí kết nối với toàn Vùng; tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả các vùng phát triển, trục động lực mà Quy hoạch tỉnh đã xác định; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển; tập trung phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế nông nghiệp, du lịch theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.