Dữ liệu số là nền tảng để phát triển Chính phủ số

Báo cáo về Chính phủ điện tử năm 2018, 2020 của Liên hiệp quốc đã chỉ ra rằng, dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Chia sẻ dữ liệu là điều kiện tiên quyết để cung cấp dịch vụ số, đơn giản hóa quy trình, thay đổi mô hình tổ chức, cách thức cung cấp dịch vụ.

Tại Việt Nam, trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã đã xác định quan điểm phát triển dữ liệu trong Chính phủ số, đó là: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”.

Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.

{keywords}
Việc đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Nghị định 47 về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam đã nêu rõ, việc kết nối các hệ thống thông tin, CSDL giữa các bộ, ngành, địa phương trên quy mô quốc gia phải thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TT&TT đã xây dựng, đưa Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) vào sử dụng, phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.

Nền tảng NDXP hiện đã kết nối với hơn 90 bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; 10 CSDL và 8 hệ thống thông tin. Theo thống kê, năm 2021 tổng số giao dịch thực hiện qua NDXP đạt 180.919.031; hàng ngày có khoảng 500.000 giao dịch thông qua nền tảng này.

Giả sử với mỗi giao dịch giúp tiết tiệm 3.000 đồng cho xã hội như chi phí di chuyển đến-về chỗ chứng thực giấy tờ bản giấy, chi phí chứng thực giấy tờ, thời gian chờ, chi phí xử lý của công chức; chưa kể chi phí cơ hội, chi phí lưu trữ giấy tờ bản giấy..., trong năm 2021 việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng NDXP đã góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho xã hội.

Thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng NDXP

Bộ TT&TT vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn việc kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Hướng này sẽ giúp cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước được thống nhất, tối ưu, thuận tiện cho việc quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn thông tin mạng các kết nối trên quy mô toàn quốc.

“Việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam trên cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là một trong các nội dung chính được Bộ TT&TT sử dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm”, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Nền tảng NDXP là hạ tầng giữ vai trò “xương sống” phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia, bao gồm hạ tầng kỹ thuật, phần cứng, phần mềm và hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ đóng vai trò phục vụ tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước với nhau và giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc khu vực tư (theo nhu cầu).

Nền tảng được thiết kế, xây dựng, phát triển để linh hoạt đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu theo mô hình kết nối tập trung và phân tán; hỗ trợ đồng thời trên cả mạng truyền số liệu chuyên dùng và Internet theo từng nhu cầu cụ thể trong phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

{keywords}
Mô hình kết nối quốc gia thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Các thành phần chính của nền tảng NDXP gồm: Nền tảng kết nối, tích hợp dịch vụ, quy trình, dữ liệu (kế thừa và phát triển từ Hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương - NGSP) nhằm đáp ứng các nhu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu theo mô hình tập trung; Nền tảng chia sẻ dữ liệu phân tán để đáp ứng các nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương theo mô hình phân tán; Hệ thống quản lý vận hành Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Trong văn bản mới gửi các bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT đã hướng dẫn cụ thể việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng NDXP cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Cụ thể như: các yêu cầu kỹ thuật để kết nối với NDXP; hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu theo mô hình tập trung; hướng dẫn chia sẻ dữ liệu theo mô hình phân tán; tổ chức giám sát và đối soát giao dịch.

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng chia sẻ dữ liệu theo mô hình phân tán, gồm có hướng dẫn cài đặt máy chủ kết nối, chia sẻ dữ liệu phân tán; hướng dẫn triển khai dịch vụ chia sẻ dữ liệu; hướng dẫn khai thác dịch vụ.

Vân Anh

Chia sẻ, mở dữ liệu trong cơ quan nhà nước còn hạn chế

Chia sẻ, mở dữ liệu trong cơ quan nhà nước còn hạn chế

Một trong những tồn tại của công tác xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số thời gian vừa qua, theo đánh giá của Bộ TT&TT, là việc chia sẻ, mở dữ liệu trong cơ quan nhà nước còn hạn chế.