Hội nghị đối thoại “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm” vừa diễn ra ngày 8/12 tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản ở Trung ương và địa phương; các viện, trường nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản; các hội, hiệp hội nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản; cộng đồng ngư dân các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Được biết, Luật Thủy sản năm 2017 đã có quy định về cơ chế đồng quản lý thủy sản. Theo đó, đồng quản lý nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ các khu vực biển được giao quyền khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng nguồn lợi thủy sản và đời sống người dân; giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và giúp ngành thủy sản phát triển một cách bền vững.
Theo các chuyên gia, đồng quản lý là một chính sách đúng đắn không chỉ đối với công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nói chung mà còn với công tác quản lý tại các cảng, bến cá (chính sách đồng quản lý nghề cá).
Đề cập tới mô hình đồng quản lý đầu tiên của Khánh Hòa được công nhận và giao quyền quản lý theo đúng Luật Thủy sản năm 2017, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết: Năm 2023, với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng, Khánh Hòa đã công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh).
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bày tỏ mong muốn nghe thêm nhiều kinh nghiệm về thực hiện đồng quản lý để từ đó giúp cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp nhân rộng mô hình đồng quản lý trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần cải thiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân địa phương.
Đáp ứng nhu cầu của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Tiến sỹ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn đã có bài tham luận về mô hình quản lý cảng tại Nhật Bản và bài học cho Việt Nam. Điểm đáng chú ý là Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng tham gia đầu tư, vận hành và khai thác chợ đầu mối thủy sản tại các tỉnh. Nếu áp dụng mô hình này tại Việt Nam sẽ giúp ngư dân tăng chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập.
Với góc nhìn từ thực tiễn, ông Đồng Văn Triển, Chủ tịch Hội Cộng đồng ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) trăn trở rằng “năng lực về quản lý, tổ chức cộng đồng còn yếu”, đồng thời bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để có thêm cơ hội học tập, nâng cao năng lực quản lý, điều hành hội.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng cho rằng năng lực cộng đồng cần được chú ý khi vận hành mô hình đồng quản lý. Nhà nước cần có cơ chế chăm sóc, bồi dưỡng cho ngư dân tham gia thảo luận, đối thoại, tạo sự đồng thuận khi triển khai đồng quản lý.
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Cơ chế đồng quản lý thúc đẩy tính tự chủ và phát huy những đóng góp tích cực của cộng đồng người làm nghề cá trong công tác bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản; từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bộ trưởng mong muốn các địa phương, các tổ chức, nghiệp đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kiên trì tuyên truyền để ngư dân hiểu và tích cực tham gia cơ chế đồng quản lý; tiếp cận hướng quản trị/quản lý cảng cá mới, tích hợp công nghệ hiện đại, hướng đến phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.