Theo Tổng cục Thống kê, ngành trồng trọt ở Việt Nam chiếm 64 - 68% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Thành tựu này có sự đóng góp đáng kể của công tác giống với vai trò then chốt từ các giống cây trồng mới.
Xây dựng một hệ thống quản lý giống cây trồng phù hợp
Trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, các Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương giữa Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới và khu vực đã được ký kết. Đó là điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng song cũng có không ít thách thức, cạnh tranh.
Việc xây dựng một hệ thống quản lý giống cây trồng phù hợp với thực tiễn đất nước, hài hòa với khu vực và quốc tế nhằm phát huy lợi thế là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định.
Tính đến thời điểm hiện nay, khung pháp lý về giống cây trồng của Việt Nam đã cơ bản được hoàn thiện với hệ thống các bộ luật và văn bản, gồm: Luật Trồng trọt số 31 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật như Nghị định 94/2019/NĐ-CP; Thông tư số 26/TT-BNNPTNT về lấy mẫu; Thông tư 17/TT-BNNPTNT về Danh mục cây trồng chính.
Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan thuộc hệ thống sở hữu trí tuệ. Các Luật khác ở một số Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và các Hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương có liên quan đến giống, nguồn gen cây trồng. Các văn bản pháp luật liên quan có tác dụng hỗ trợ qua lại và có những ràng buộc ở từng vấn đề cụ thể.
Cơ quan quản lý giống cây trồng được xây dựng đầy đủ, gồm: Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan trực thuộc (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm và các trạm khảo nghiệm của Trung tâm).
Cùng với đó, Sở NN-PNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các cấp tỉnh, huyện, xã cũng thực hiện quản lý giống câu trồng.Trong hơn 2 năm thực thi Luật Trồng trọt, 8.000 giống cây trồng đã được công nhận, trong đó có hơn 7.000 giống tự công bố. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, chưa đảm bảo kịp những yêu cầu mà sản xuất đặt ra.
Một trong số các vướng mắc tiêu biểu là vấn đề lưu hành giống cây trồng, thời hạn được lưu hành, việc đình chỉ, phục hồi, gia hạn quyết định lưu hành; công tác khảo nghiệm giống cây trồng và việc cấp Quyết định chứng nhận Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng, xung đột giữa Luật Trồng trọt và Luật Sở hữu trí tuệ.
Mã hóa đường truyền cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt
Ngoài ra, để bảo đảm an ninh, an toàn cho cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, phải sử dụng phần mềm phù hợp, có bản quyền và áp dụng các công nghệ nhằm ngăn chặn, phát hiện các xâm nhập trái phép. Sử dụng kênh mã hóa và xác thực người dùng các hoạt động sau: Đăng nhập quản trị hệ thống; đăng nhập vào các ứng dụng; gửi nhận dữ liệu tự động giữa các máy chủ; nhập và biên tập dữ liệu.
Bên cạnh đó, mã hóa đường truyền cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; áp dụng biện pháp bảo đảm tính xác thực và bảo vệ sự toàn vẹn của dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; thực hiện lưu vết việc truy cập, tạo, thay đổi, xóa thông tin dữ liệu để phục vụ việc quản lý, giám sát hệ thống; xây dựng phương án sao lưu, dự phòng dữ liệu định kỳ nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, ổn định khi gặp các sự cố; thực hiện biện pháp cần thiết khác để bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt.