Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy CNTT thực ra không nhiều, và chính sách lớn nhất, quan trọng nhất chính là thuế, "chứ CNTT không cần nhiều lắm các chính sách về đầu tư, tín dụng, đất đai... "

Nhận định này được vị Phó Chủ tịch UB Quốc gia về Ứng dụng CNTT đưa ra sáng nay, 24/4, nhân Đại hội IV nhiệm kỳ 2016-2020 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), khi nhắc đến vai trò tư vấn, phản biện chính sách CNTT của Hiệp hội.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội.

 

Phó Thủ tướng khẳng định, VINASA đã tổ chức nghiên cứu công phu và đưa ra nhiều khuyến nghị xác đáng về chính sách thuế CNTT, dịch vụ CNTT, đặc biệt là làm rõ khái niệm dịch vụ CNTT. Thậm chí VINASA đã phối hợp với Hội tư vấn thuế Việt Nam làm một bản kiến nghị rất đầy đủ về việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định liên quan đến thuế trong lĩnh vực này ra sao. Kiến nghị này đã được đưa ra Chính phủ họp, soạn Nghị quyết, Bộ Tài chính cũng đã tiếp thu, tranh luận.

“Không chỉ vấn đề thuế thu nhập cá nhân mà rất nhiều vấn đề, trong đó có lẽ đóng góp lớn nhất vào chính sách của ngành là đã làm rõ được khái nhiệm dịch vụ CNTT. Trước đây cũng có nhiều chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân… được quy định áp dụng cho ngành phần mềm nhưng không nói rõ dịch vụ CNTT có được áp dụng không”, ông Đam phân tích.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về một số giải pháp, chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT tại VN theo yêu cầu của Chính phủ, tập trung vào một số vấn đề mấu chốt như:  kéo dài thời hạn ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% tối đa không quá 30 năm đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT sử dụng trên 1.000 lao động; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực CNTT làm việc trong các doanh nghiệp CNTT được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; không phải kê khai, tính thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ phần mềm không chịu thuế giá trị gia tăng....

Cần hiểu cho đúng về khởi nghiệp!

Phó Thủ tướng trao đổi rất thẳng thắn: Chúng ta nói rất nhiều về sự tự hào của Việt Nam: Việt Nam phát triển nhanh thứ hai thế giới trong 20 năm qua, những thành quả phát triển được dành phần lớn cho công tác xã hội. Tuy nhiên, nếu muốn đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực thì chỉ riêng về tốc độ tăng trưởng, nước ta phải tăng trưởng liên tục 8 - 9% trong 20 năm tới. Còn nếu không, chắc chắn chúng ta không thoát ra khỏi được bẫy thu nhập trung bình.

Nhưng nếu chỉ toàn lực tăng trưởng, phát triển 9% mà bỏ qua các vấn đề môi trường xã hội thì cũng rất nguy hiểm, ông cảnh báo, bởi "bây giờ có thể nhanh song sau này sẽ bị kéo lùi lại". Không còn cách nào khác là phải phát triển khoa học công nghệ. "Trong khoa học công nghệ có rất nhiều thứ nhưng rõ ràng CNTT, trong đó có phần mềm và dịch vụ CNTT, cần phải được đẩy mạnh. Chưa kể ngành này còn có thể tăng doanh thu xuất khẩu đáng kể. Quy mô doanh thu của phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn, ta phải làm sao để đẩy lên”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Trong thông điệp của mình tới giới phần mềm và dịch vụ CNTT sáng nay, Phó Thủ tướng tiếp tục xoáy vào vấn đề khởi nghiệp (start-up). Ông cho rằng, cộng đồng khởi nghiệp cần nhất là cơ chế để có vốn đầu tư ban đầu để kích hoạt ý tưởng, dự án. Dù hoàn toàn đồng tình, ủng hộ phong trào khởi nghiệp, song ông cũng đề nghị "cần hiểu cho đúng về start-up": "Chúng ta đã bàn rất nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là làm sao, mỗi trường Đại học đều có không gian cho cộng đồng Start-up.

"Start-up luôn gắn với Sinh viên vì đó là những người rất mơ mộng, hoài bão, nhiều ý tưởng, khả năng sáng tạo nhưng lại... không có tiền", ông phân tích. Nếu làm tốt điều này thì thậm chí có thể làm thay đổi cả cách học trong trường đại học, hình thành ngay tinh thần lập nghiệp cho sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài ra, “Cộng đồng khởi nghiệp rất cần đầu tư mạo hiểm ban đầu dưới hình thức các quỹ. Cái này Chính phủ cũng đã bàn. Chính phủ sẽ có một số chính sách tham gia đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng trước hết là các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong VINASA phải tích cực tham gia cái này. Chúng ta nói nhiều về quốc gia khởi nghiệp song tôi cho rằng cần phải cụ thể, thiết thực”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Không cần gì bằng nhân lực

Một vấn đề cũng luôn là thời sự nhất trong ngành CNTT đã được Phó Thủ tướng nhắc lại sáng nay, chính là nhân lực CNTT. So với các ngành khác, CNTT có cần đất, có cần tín dụng nhưng không nhiều bằng, không cấp bách như những ngành khác. Cái CNTT cần nhất, khát nhất là nhân lực nhưng cho đến nay, bất chấp nhiều nỗ lực từ cả Chính phủ lẫn các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp công nghệ, nhân lực CNTT vẫn thiếu.

Một nghịch lý đặt ra là tại sao VN hiện nay thừa mấy trăm nghìn cử nhân cao đẳng, hơn một trăm nghìn cử nhân đại học, kỹ sư thất nghiệp nhưng CNTT lại vẫn thiếu nhân lực. Có thứ học ra không xin được việc, có thứ cứ thiếu nhưng lại không đào tạo, đáp ứng được?

Ông Đam cho rằng, đây là câu hỏi rất lớn cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. "Hiện nay, có rất nhiều mô hình đào tạo mới, học liệu mở, đào tạo từ xa… tại sao mình không tập trung làm, phối hợp với Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng để làm. Ví dụ, tại sao không dám nghĩ đến chuyện hơn 100.000 kỹ sư cử nhân thất nghiệp, mình đào tạo chính họ về CNTT. Chúng ta đã nhắc đến nhưng chúng ta chưa làm đến cùng. Tôi rất mong muốn VINASA sẽ làm việc này”.

Cũng trong sáng nay, Ban chấp hành mới của VINASA nhiệm kỳ 2016-2020 đã ra mắt. Ông Trương Gia Bình đã tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hiệp hội, ngoài ra còn có 10 Phó Chủ tịch và 52 ủy viên, đại diện cho các DN hội viên ở các lĩnh vực kinh doanh trong ngành, vùng viền và kể cả nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp.

{keywords}

Phó Thủ tướng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho VINASA

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hiệp hội vì đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành phần mềm và CNTT Việt Nam.  Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 21 cá nhân thuộc VINASA đã có đóng góp cho sự phát triển của ngành phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam thời gian qua.

Trọng Cầm