Bên lề Hội nghị COP28, ngày 5/12/2023, Bộ Giao thông Vận tải (MOT) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), tổ chức một sự kiện quan trọng với chủ đề "Chuyển đổi xanh trong Giao thông vận tải đường bộ" nhằm giới thiệu về những nỗ lực, chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong lĩnh vực xe điện (EV), đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng hướng tới mục tiêu giảm phát thải trong giao thông vận tải và thúc đẩy phương tiện giao thông điện.
Tại sự kiện, ông Trần Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT, đã nêu bật những giải pháp chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sang các phương tiện xanh thân thiện với môi trường. “Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê tan của ngành GTVT, Việt Nam đã chứng kiến sự bứt phá về việc sử dụng xe điện – tăng từ 138 chiếc vào năm 2019 lên hơn 28.000 xe điện và 3.557 xe hybrid vào tháng 9/2023, cùng với hơn 2 triệu xe máy điện”, Ông Dương nhấn mạnh.
Sau 1 năm thực hiện, Quyết định số 876/QD-TTg đã chứng tỏ là trụ cột quan trọng để phát triển hệ thống giao thông xanh, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ quốc tế trong việc đẩy mạnh điện khí hóa các phương tiện vận tải đường bộ tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp tiên phong như VinFast đã đóng góp tích cực trong quá trình chuyển đổi này thông qua thúc đẩy sản xuất xe điện trong nước, xây dựng hạ tầng trạm sạc trên toàn quốc, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn mới trong hoạt động môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp (ESG). Đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước và quốc tế khác cũng đã tham gia vào quá trình chuyển đổi giao thông xanh, góp phần vào thành công ban đầu của quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện của tổ chức trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi này. Hợp tác với Chính phủ Nhật Bản, UNDP góp phần hỗ trợ xây dựng chính sách, khởi động các dự án thí điểm ở khu vực đô thị và triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức, tất cả đều phù hợp với Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam.
UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy phát triển giao thông bền vững và sử dụng xe điện tại Việt Nam. Hiện nay, UNDP đang phối hợp cùng Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hạ tầng sạc, giải pháp tái chế pin xe điện và đánh giá về việc làm xanh. Ở cấp thành phố, các sáng kiến của UNDP, như cung cấp vay ưu đãi cho chuyển đổi sang xe điện và giới thiệu xe điện thu gom rác là minh chứng cho sự nỗ lực của UNDP nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam."
Trước đó, Hội thảo quốc gia nhằm thúc đẩy việc thiết kế và áp dụng mô hình chia sẻ xe điện tại Việt Nam đã diễn ra thành công vào ngày 16/6/2023. Sự kiện do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án SolutionPlus (hợp phần Việt Nam) và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các bộ ngành, tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo đã tập trung chia sẻ các kinh nghiệm và thành công, cũng như những thách thức của các mô hình chia sẻ xe đạp thông thường và xe đạp điện, xe máy điện từ nhiều hành phố trên thế giới và ở Việt Nam. Đồng thời, chương trình cũng trao đổi những vấn đề liên quan đến các chính sách, hoạt động phát triển giao thông xanh, kinh tế tuần hoàn và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội thảo nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự phối hợp giữa chính quyền cấp quốc gia, chính quyền địa phương, các công ty tư nhân trong lĩnh vực giao thông, công ty công nghệ, tổ chức tài chính và các tổ chức hỗ trợ phát triển. Hội thảo cũng đưa ra các đề xuất về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông xanh và các tiêu chuẩn kỹ thuật cho mô hình chia sẻ xe đạp, xe máy. Các chuyên gia cũng đã đánh giá các thách thức hiện tại trong việc quản lý và vận hành phương thức di chuyển này, bao gồm các khía cạnh chính sách, thể chế, công nghệ và huy động nguồn lực xã hội.