Năm 2022, mô hình "Thôn thông minh Tân Thanh" (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) được ra mắt. Từ đây, những chuyển mình từ nông thôn truyền thống sang nông thôn mới, hiện đại đã được người dân bắt nhịp một cách nhanh chóng, các thông tin chỉ đạo của xã, của thôn cũng được chuyển tải nhanh hơn. Bà Phạm Thị Loan, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thanh, cho biết: Người dân được hướng dẫn cài đặt tài khoản công dân số để thực hiện giao dịch hành chính với chính quyền mà không cần phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước. Nhiều người cũng sử dụng điện thoại để thanh toán các giao dịch thay vì dùng tiền mặt như trước kia, giúp tiết kiệm thời gian.
Chuyển đổi số tại khu vực nông thôn không chỉ mang lại tiện ích cho người dân, mà còn giúp ích đắc lực cho chính quyền trong công tác quản lý, theo dõi, đảm bảo ANTT, ATGT khi camera AI được triển khai rộng khắp tại nhiều địa bàn dân cư. Ở xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều), 100% thôn đều triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường, những điểm đen giao thông. Hệ thống camera đều được kết nối vào hệ thống máy chủ do lực lượng công an xã quản lý, máy điện thoại cá nhân của các đồng chí lãnh đạo xã. Nhiều thông tin, hình ảnh về những vụ việc vi phạm, tình trạng mất ATGT, hoặc dấu hiệu, nguy cơ mất ANTT trên địa bàn đều được camera ghi nhận, cập nhật, thông báo kịp thời đến lực lượng chức năng.
Ứng dụng công nghệ số để thay đổi thói quen sinh hoạt diễn ra hằng ngày, thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện hiệu suất lao động, mở ra không gian mới để phát triển kinh tế cho người dân khu vực nông thôn. Mùa vải chín sớm năm nay, những hộ dân trồng vải phường Phương Nam (TP Uông Bí) đã bắt tay với một số người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội chuyên review về nông sản để livestream, quảng bá, bán vải chín sớm. Hướng đi này nhận được sự phản hồi tích cực khi trong vòng 20 ngày, 100% sản lượng vải chín sớm Phương Nam của các hộ dân đã được tiêu thụ với giá bán trung bình 38.000 đồng/kg, đạt tổng doanh thu gần 61 tỷ đồng, tăng 10,8 tỷ đồng so với năm 2023.
Để hỗ trợ người dân nông thôn trên hành trình chuyển đổi số, toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ 1.452 thôn, bản, khu phố ở toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn, với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên. Với nhiều nỗ lực và cách làm linh hoạt, các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hỗ trợ người dân, giúp lan toả công nghệ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, đồng thời đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số toàn tỉnh.
Từ sự vào cuộc tích cực này, chuyển đổi số cũng đã đi vào nhận thức, hành động của người dân các vùng nông thôn trong tỉnh. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị hiện đại, liên hoàn, quy trình sản xuất khép kín, tiếp cận và phát huy thương mại điện tử, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo nên những nông dân, nông thôn hiện đại, trù phú, thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn.
Theo Nguyên Ngọc (Báo Quảng Ninh)