Theo Văn phòng Điều phối NTM trung ương, sau 10 năm thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thu hẹp khoảng cách về thu nhập, hưởng thụ dịch vụ giữa người dân nông thôn và đô thị; khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm; chưa phát huy hết các tiềm năng và dư địa của nông nghiệp, nông thôn.
Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, việc ứng dụng CNS, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng NTM ở Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.
Về phát triển chính quyền số, mục tiêu hướng đến: Chương trình MTQG xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đặt ra: Có ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về "Thông tin và Truyền thông" theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về "Thông tin và Truyền thông", 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về "Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao"; Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về "An ninh trật tự - Hành chính công" theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM, 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về "Kinh tế", 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về "An ninh trật tự - Hành chính công" theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao.
Chương trình phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về CĐS; có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.
Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026 - 2030.
Chương trình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS trong xây dựng NTM; Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM; Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; Tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM; Đào tạo và nâng cao năng lực về CĐS; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; Triển khai thí điểm mô hình CĐS trong xây dựng NTM.
Yến Hưng