- "Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân" - lời khuyên và tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ông vào nghiệp giáo dục kéo dài suốt từ 3/11/1946 cho đến khi qua đời năm 1975.

Trong các nghiên cứu của cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên, phải kể đến công trình Những vấn đề của nông dân ở Bắc Kỳ (1939). Từ tư liệu sống động thu thập trong các cuộc điền dã dân tộc học và điều tra xã hội học, ông phân tích tình trạng cơ cực của nông dân và chỉ rõ những yếu kém của chính quyền đương thời.

Trong đó ông nhấn mạnh nếu không có giáo dục, nông dân sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc. “Cần phải tiếp nhận những đứa trẻ quặt quẹo, nghèo khổ này và thử làm cho chúng trở thành những người có hiểu biết khách quan hơn về lợi ích của mình, có một ý thức hiện đại hơn về đời sống làng xã. Thì đó sẽ là một bước dài theo hướng thực hiện một đời sống nông thôn tốt đẹp hơn” - ông viết.

Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, một sự thực nổi lên, đó là 95% người dân mù chữ. Làm thế nào để ngành giáo dục vượt qua bức tường thành quá lớn như vậy?

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Văn Huy luôn tâm đắc về cách giáo dục dục sáng tạo và dụng người tài từ tâm của cha mình

PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều anh bộ đội không đọc được thư của gia đình, nhiều vị tướng lĩnh cũng học hết cấp 1, ít người học cao. Ngày hòa bình lập lại, cán bộ cũng chỉ học đến lớp 3, 4. Giáo dục khi ấy chủ yếu tập trung xóa mù rồi bổ túc văn hóa để phục vụ kháng chiến, xây dựng miền Bắc.

"Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân" - lời khuyên và tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho mình khiến GS.TS Nguyễn Văn Huyên trăn trở trước bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Ông quyết định kiến tạo một nền giáo dục không cầu toàn, đào tạo theo nhu cầu xã hội để nâng cao dần dân trí toàn dân, đặc biệt nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nông dân, công nhân. Có thời còn tổ chức các trường sư phạm 7+1, 7+2, 10+2 … để sớm có đội ngũ giáo viên, nâng cao dân trí toàn dân. Thậm chí sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường liền quay lại giảng cho năm sau.

Với cách làm đó, ngành giáo dục thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có những nhà lãnh đạo sau này từng học bổ túc công nông một năm hai, ba lớp. "Đó là sự sáng tạo và là bài học cho ngành giáo dục ngày nay. Muốn làm gì trước hết phải đáp ứng nhu cầu xã hội", ông Huy chia sẻ.

Nghệ thuật dùng người độc đáo

Trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên vẫn còn lưu giữ bút tích, công điện đích thân Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Liên khu 4 từ năm 1950 đề nghị những chính sách đãi ngộ lương bổng, sắp xếp công việc cho những trí thức lúc bấy giờ.

{keywords}
Tờ trình và công điện Bộ trưởng Huyên gửi các cơ quan mời GS  Đặng Văn Ngữ về làm việc

Năm 1950, GS Đặng Văn Ngữ là Việt kiều từ Nhật sang Bangkok, Thái Lan, rồi đi bộ qua về Lào để trở lại Nghệ An. Hay tin, GS Nguyễn Văn Huyên mời ngay về làm việc tại trường Đại học Y khoa.

Trong phiếu gửi Bộ trưởng Nội vụ ngày 18/7/1950, ông ghi: “Dự nghị định bổ dụng và tạm xếp ngạch bác sỹ Đặng Văn Ngữ làm giáo sư Trường Đại học Y khoa. Để quý Bộ ý hiệp, chuyển Bộ Tài chính thỏa thuận rồi gửi bản Bộ. Bác sỹ Đặng Văn Ngữ trước khi đi Nhật đã làm tại Trường ĐH Y khoa từ năm 1937-1943 và phụ trách thêm phòng thí nghiệm Vi trùng học trường ấy”.

{keywords}

Công điện số 74 của Bộ Giáo dục gửi Liên khu 4 cũng ghi rõ: “Yêu cầu báo bà Đặng Văn Ngữ, ở trường chuyên khoa Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh biết là bác sỹ Đặng Văn Ngữ bận công việc quan trọng không thể vào đón được. Rồi Chính phủ sẽ tổ chức đưa ra, không cần lo. Về sinh hoạt và tài chính sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng vào Chính phủ và các bạn ở Liên khu 4”.

“Đây là công điện của ông Huyên với tư cách Bộ trưởng Giáo dục gửi Liên khu 4 với đề nghị tạo mọi điều kiện để đưa ông Đặng Văn Ngữ từ Nghệ An ra Tuyên Quang”, ông Huy chỉ vào tờ công điện nói và bồi hồi: “Cách ứng xử với trí thức của cụ Huyên rất độc đáo”.

Có hai điều quan trọng liên quan cách ứng xử với trí thức. Thứ nhất là đề nghị cấp tiền để GS Đặng Văn Ngữ mang đầy đủ phòng thí nghiệm đi cùng. Thứ hai là điện cho vợ ông Ngữ biết việc đưa chồng bà an toàn ra miền Bắc làm việc, đồng thời để bà yên tâm “không phải lo về kinh tế, mọi thứ Chính phủ lo”.

Với GS Đặng Thai Mai, Bộ trưởng cũng gửi công điện cho Bộ Tài chính xin tiền đưa ông từ Thanh Hóa lên Việt Bắc, trong đó có cả việc vận chuyển nguyên thư viện của GS Mai đi cùng cũng như lo kinh phí để thuê người đưa cụ ra vì đã có tuổi.

“Sau này con gái GS Đặng Thai Mai, chị Đặng Xuyến Như viết hồi ký kể lại lúc đi từ Thanh Hóa ra Tuyên Quang, gia đình cụ thuê 13 người để toàn bộ sách vở của cụ ra đến tận Chiêm Hóa. Còn cụ Mai thì đi bộ cùng gia đình", ông Huy kể.

{keywords}
Các tư liệu thể hiện cái tâm dùng người tài của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được con trai út lưu trữ cẩn thận

Trường hợp của Tiến sĩ  toán học Lê Văn Thiêm cũng quyết liệt không kém. Khi hay tin ông Thiêm từ Pháp sang Bangkok, qua Campuchia về đến chiến khu ở Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi ngay công điện cho ông Phạm Văn Đồng đề nghị điều động ông Thiêm ra Tuyên Quang giúp phát triển nền đại học kháng chiến.

Bài học từ Hồ Chủ tịch

PGS Nguyễn Văn Huy khâm phục sự tinh tế của cha mình trong cách trọng dùng người tài. Với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, điều họ cần là phòng thí nghiệm, là thư viện.

Cách đối đãi với người tài GS Nguyễn Văn Huyên không học đâu xa, chính từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, học ngay từ cách Người đã đối đãi với chính ông từ những việc nhỏ nhất không chỉ của ông mà cả gia đình. 

{keywords}
Gia đình Bộ trưởng Huyên tiễn ông đi Pháp dự hội nghị Fontainebleau năm 1946

Ông Huy nhớ, năm 1946, khi cha đi Pháp dự hội nghị Fontainebleau, được mẹ bế sang sân bay Gia Lâm tiễn cha. Bác Hồ đến động viên rồi tặng con trẻ một chiếc khăn mùi xoa bằng lụa rất đẹp. "Mẹ tôi giữ mãi kỷ vật này đến hết kháng chiến chống Mỹ, khi chúng tôi chuyển nhà, chiếc khăn này đã bị thất lạc".

"Nhớ có lần chị Hiếu (chị gái PGS Nguyễn Văn Huy) bị bó bột chân hai năm do lao xương, Bác Hồ còn gửi cao hổ cốt để chị trị bệnh. Sau này khi chị tôi gặp Bác ở một hội nghị vừa nói là con ông Huyên, Bác nhớ ngay tên chị là Hiếu. Những hành động quan tâm nho nhỏ nhưng tự tâm ấy đã góp phần không nhỏ khích lệ đội ngũ trí thức lúc bấy giờ. Tôi tin chắc cụ Huyên là một trong những người học Bác thật sự, học từ thực tiễn, rất thực tiễn", ông Huy chia sẻ.

Bài và ảnh: Thu Hằng

Kỳ tới: Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng