Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển Du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Đồng Tháp đã cho kết quả bước đầu khá ấn tượng với du khách trong và ngoài nước, tiếp thêm động lực và tạo nguồn cảm hứng cho những người làm du lịch đất Sen Hồng, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực; xác định được vị thế trong khu vực ĐBSCL và cả nước.

Đến nay Đồng Tháp đã định vị và có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

{keywords}
Đồng Tháp “thuần khiết như Hồn Sen” tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách

Các khu di tích, điểm du lịch đã bổ sung dịch vụ, mở rộng hoạt động khai thác du lịch, mạnh dạn tiến hành xã hội hóa cho cộng đồng dân cư tham gia khai thác dịch vụ du lịch. Công tác xây dựng sản phẩm du lịch được triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Đồng thời liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thành trong nước từng bước hình thành và mở rộng, đã ký kết hợp tác với các tỉnh thành: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và ĐBSCL, tham gia vào Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông - ĐBSCL…

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với xây dựng thương hiệu, hình ảnh địa phương được đầu tư bài bản, luôn được giám sát, kiểm tra nhằm duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và các điều kiện kinh doanh du lịch.

Không theo lối mòn, người Đồng Tháp chọn hướng phát triển du lịch phù hợp với điều kiện sẵn có của địa phương, dựa trên tiềm năng nông nghiệp.

Thời gian qua, hình tượng Sen Hồng Đồng Tháp đã tạo ấn tượng mạnh cho du khách. Đồng Tháp chọn hình tượng Sen Hồng để bắt đầu cho mục tiêu phát triển bền vững. Tỉnh đã đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng đặc trưng riêng của địa phương không chỉ giúp bà con tăng thu nhập đáng kể, mà còn giúp du lịch Đồng Tháp có thêm nhiều gam màu mới, tạo ra nhiều giá trị, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng đất Sen hồng.

Tranh thủ hệ sinh thái đa dạng và hệ thống sông ngòi chứa đựng nhiều giá trị tài nguyên nông nghiệp, hiện nay có 10 điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận; 3 điểm tham quan và trải nghiệm làng nghề thủ công; homestay Ngôi nhà Quýt... đang hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm.

Làng hoa Sa Đéc được Bộ Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục chỉ đạo điểm xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Sa Đéc trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là một trong 10 làng văn hóa du lịch của cả nước và là làng văn hóa du lịch thứ 2 của khu vực ĐBSCL. 

Bắt kịp luồng gió mới, người Đồng Tháp giờ đã tư duy theo hướng, làm du lịch không vì đam mê, thì rất khó để phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, Đồng Tháp đang nỗ lực để mỗi du khách đến với đất Sen hồng không chỉ để thưởng lãm, ngắm hoa, mà họ còn muốn tận hưởng bầu không khí bình yên, cảm nhận nét văn hóa mộc mạc chân tình từ người dân bản địa, cùng tham gia xây dựng xóm làng bình yên, môi trường sống an toàn, lành mạnh… để giữ chân du khách.

Mục tiêu thu hút 5,2 triệu lượt khách 

Theo quan sát từ thực tiễn, tiềm năng Sen Tháp Mười còn rất nhiều dư địa, là cơ hội cho các nhà đầu tư du lịch. Tới đây huyện Tháp Mười của Đồng Tháp sẽ tập trung kêu gọi đầu tư có tiềm lực, năng lực ý tưởng và nguồn lực mạnh để phát triển quy hoạch dự án 300 ha vùng nguyên liệu Sen Tháp Mười vừa tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, vừa phát triển dịch vụ du lịch và nâng tầm hình ảnh Sen Tháp Mười.

{keywords}
Vườn quýt hồng Lai Vung

Đề án Phát triển du lịch Đồng Tháp 2021 - 2025 đã mạnh dạn đặt mục tiêu thu hút 5,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch, trong đó có 126.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng trường bình quân 5%/năm/ tổng lượt khách, tổng thu du lịch đạt 1.700 tỷ đồng, tang trưởng bình quân 7%/năm. Tạo việc làm cho người dân địa phương từ 8.000 đế 10.000 lao động. Số người lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 70%/lao động trực tiếp.

Để tránh các sản phẩm du lịch đơn điệu và trùng lắp, việc xây dựng các sản phẩm chủ đạo, khai thác các yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là rất quan trọng. Hàng năm, ngành Du lịch tỉnh đều tổ chức để các hộ làm du lịch cộng đồng tham quan thực tế các mô hình phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp tại một số tỉnh, thành trong nước, giúp người dân có thêm kiến thức và kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; gắn chặt du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương… nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban chỉ đạo Đề án Phát triển du lịch Đồng Tháp 2021 - 2025 chia sẻ, làm thay đổi tư duy và ý thức cộng đồng, tự tin hơn về liên kết làm du lịch, góp phần tạo dựng niềm tin, mang lại hình ảnh trù phú thịnh vượng cho Đất Sen Hồng, đồng nghĩa nâng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, đây chính là kết quả cuối cùng của Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp kỳ vọng, đến nay đã thành công bước đầu.

Song, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp lưu ý, để đi đường dài, Đề án Phát triển du lịch 2021 - 2025, du lịch Đồng tháp cần đồng hành và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, các cơ sở, tour tuyến và những người làm du lịch, kết hợp mạnh về chiều rộng và chiều sâu hơn nữa trong làm mới các sản phẩn du lịch đặc trưng, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, tận tâm, cung cách phục vụ có trách nhiệm, làm vừa lòng du khách.

Đồng thời tăng cường tổ chức thêm các Hội thảo chuyên sâu trong từng lĩnh vực, tìm ra những điểm nghẽn, bất cập, những điểm yếu trong ngành để dần hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ hơn nhất là đưa du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, kết hợp hài hòa hiệu quả với du lịch sông nước và du lịch chính quyền (định hướng mở rộng và nâng tầm cao mới) nhằm nâng cao hình ảnh, con người Đồng Tháp năng động nghĩa tình, hào hiệp với quyết tâm: Đồng Tháp Phát triển du lịch không chỉ vì nguồn lợi kinh tế mà còn vì trách nhiệm và vinh dự đối với quê hương xứ sở đất Sen Hồng.

Cửu Long