Anh Trần Văn Dũng ở Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng được nhiều người biết đến vì mô hình nuôi chim công. Đến nay, trang trại 900 m2 của anh đến vài trăm con công.
Anh Trần Văn Dũng bên cạnh chú chim công trong trang trại. Ảnh: Báo Hải Phòng |
Khi bắt đầu nuôi chim công từ năm 2009 anh Dũng không được sự ủng hộ của gia đình. Với ý chí, quyết tâm làm giàu từ giông chim quý, anh mày mò, nghiên cứu cách chăm sóc. Năm 2012, khi những chú chim công đầu tiên bán ra thị trường, mang lại thu nhập, anh được gia đình ủng hộ nhiều hơn.
Theo anh Dũng, giá trị của con công không phải chỉ ở bộ lông. Quan trọng hơn là việc nó đã được thuần hóa và có đang ở độ tuổi khai thác tốt nhất không. Chim công sống được khoảng 40 năm nhưng độ tuổi sinh sản tốt nhất là từ 5 đến 25 năm.
Chim công có chế độ ăn uống khá giống gà, thích ăn thóc, ngô, cám gạo, rau xanh…. Nhưng khó hơn cả là cách thuần hóa loài chim này và nuôi sao để chúng sinh trưởng và phát triển.
Thuần hóa chim công: Cho chúng uống nước muối loãng
Anh Dũng cho biết, chim sẽ bay mất nếu không được thuần hóa. Anh thuần hóa bằng cách cho loài này uống nước pha muối, nồng độ thấp tương đương như các loại nước canh cho người. Khi chim quen uống nước muối mà bay đi, chúng thấy “thiếu thiếu” thì sẽ quay trở về.
Mỗi ngày, anh Dũng thả chim ra ngoài khoảng 1-2 tiếng nhưng phải có dây buộc chân. Sau 6 tháng, anh mới để chúng bay tự do.
Thuần hóa chim công đã khó nhưng nhân đàn còn khó khăn hơn
Theo anh Dũng, đến giai đoạn sinh sản, chim càng được yên tĩnh thì càng sinh sản tốt. Mỗi chim mái mỗi năm sẽ đẻ khoảng 35 đến 40 quả trứng.
Ban đầu, tỉ lệ trứng nở trong trang trại của anh rất thấp, chỉ khoảng 35%. Sau đó, anh mua máy ấp trứng và kết quả là tỷ lệ nở đạt 85%, con giống đều.
Máy ấp giá 7 triệu có công suất 300 đến 500 trứng mỗi ngày.
(Theo Pháp Luật và Bạn Đọc)