Ngày 25/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn ) với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về công tác giảm nghèo bền vững.
A Lưới là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của Thừa Thiên - Huế. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Đinh Khắc Đính cho biết: Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo nhưng toàn tỉnh vẫn còn 19 xã vùng dân tộc, miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, trên 25%. Trước thực trạng này, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 25/01/2017 về phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở hai huyện A Lưới và Nam Đông giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Theo đó, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho 57 cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh; cứ 3 đơn vị giúp đỡ một xã (trong đó có 1 đơn vị làm cơ quan đầu mối chính có trách nhiệm nối kết với 2 đơn vị còn lại để tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ). Việc giúp các xã nghèo bằng các hoạt động thiết thực như hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm, phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Các huyện A Lưới, Nam Đông và 19 xã được giúp đỡ chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững của địa phương; nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức trong đơn vị về công tác giảm nghèo; huy động mọi nguồn lực trên địa bàn (bao gồm cả nguồn lực xã hội hóa) cho chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương; phối hợp, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo nhanh và bền vững.
Việc kết hợp giữa công tác giảm nghèo bền vững với công tác xây dựng nông thôn mới được Thừa Thiên - Huế chú trọng đầu tư đúng mức. Nhiều xã với xuất phát điểm là xã đặc biệt khó khăn nhưng đến cuối giai đoạn đã đạt tiêu chí xã nông thôn mới. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 23,07%; phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tại các xã nông thôn mới đã hình thành và duy trì các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phù hợp với điều kiện của địa bàn, nhất là đã gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, để xóa nghèo nhanh và bền vững, Thừa Thiên - Huế còn chú trọng tạo việc làm cho người lao động, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính, hiện nay UBND tỉnh đã xây dựng chương trình việc làm giai đoạn 2017-2020 nhằm mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động, chất lượng việc làm, phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm, phát huy thế mạnh nguồn lực lao động của địa phương để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2020 giải quyết việc làm cho 64.000 lao động (bình quân 16.000 lao động/năm).
Để thực hiện được các mục tiêu trên tỉnh sẽ tập trung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để tạo việc làm; phát triển nhanh, mạnh mạng lưới doanh nghiệp, doanh nhân và thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm để tạo việc làm mới. Tỉnh hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và đưa lao động đi làm việc ở các trung tâm kinh tế trong cả nước; hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động. Cùng với đó tỉnh đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng gắn với giải quyết việc làm; truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình việc làm; tăng cường công tác quản lý thực hiện chương trình việc làm.
Trả lời câu hỏi làm sao để giúp các hộ nghèo vươn lên tự thoát nghèo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Hà Văn Tuấn cho rằng, chương trình giảm nghèo của địa phương từ nay đến năm 2020 áp dụng theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Việc xác định hộ nghèo ngoài tiêu chí ước tính thu nhập của hộ còn đánh giá về các nhu cầu xã hội cơ bản mà các hộ nghèo thiếu hụt để có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các nhóm đối tượng này.
Chính sách giảm nghèo trong thời gian tới của Thừa Thiên - Huế hướng đến việc sẽ giảm dần đến mức thấp nhất các chính sách hỗ trợ trực tiếp dưới dạng "cho không", mà tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất có điều kiện, dạy nghề, tạo việc làm theo nhu cầu của xã hội, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo để hạn chế tư tưởng, ỷ lại trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.
Hoàng Oanh