Đây là một trong những mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đến hết năm 2023, tổng số hộ nghèo ở Thừa Thiên - Huế còn 7.540 hộ, tương đương tỷ lệ 2,27%, riêng huyện A Lưới có tới gần 3.500 hộ nghèo. Không ít hộ gia đình nghèo tại tỉnh Bắc Trung bộ này vẫn còn gặp khó khăn, thiếu hụt về nhà ở.
Trong năm 2024, tỉnh phấn đấu tối thiểu 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh về 1,76%.
Kế hoạch cũng nêu rõ, việc hỗ trợ người nghèo, cận nghèo bù đắp chiều thiếu hụt về nhà ở tại Huế được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 90/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Chính sách xóa nhà tạm cho hộ nghèo tại Nghị quyết số 20/2023 của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cùng đó, tỉnh huy động sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp, nhằm hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2024, các địa phương, ban, ngành, MTTQ trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt.
Năm 2024, gia đình ông Hồ Lập (thôn Quy Lại, xã Phú Thanh, TP Huế) đón niềm vui mới khi được sống trong ngôi nhà kiên cố. Vợ chồng ông Lập đã lớn tuổi, thuộc diện hộ nghèo của xã. Các con của ông bà làm ăn xa, ai nấy đều khó khăn, trong đó có một con trai bị bệnh tâm thần đang điều trị. Cảnh khốn khó triền miên, vì thế nhiều năm gia đình dù sống trong căn nhà cũ, tạm bợ nhưng không thể có điều kiện sửa chữa. Đặc biệt, cứ tới mùa mưa bão, ông bà dù chất chồng nỗi lo nơm nớp nhưng đành bất lực.
Năm nay, được sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh và sự giúp sức của người thân, ông Lập và vợ con đã được sống trong ngôi nhà vững chãi. Ông kể, sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng là động lực lớn lao để gia đình xây sửa nhà ở. Đây là điều quý báu, lớn lao để vợ chồng ông vươn lên.
Năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế phát động xây dựng 100 ngôi nhà đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Phong Điền, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ của cộng đồng và Quỹ Vì người nghèo tổng cộng 1,3 tỷ đồng để khởi công xây dựng khoảng 20 ngôi nhà mới cho hộ nghèo.
Một trong số đó là gia đình chị Châu Thị Yến (thôn Hiền An, xã Phong Sơn). Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, một mình chị làm ruộng nuôi 3 con ăn học. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Yến, Ban từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ 50 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phong Điền hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng nhà ở cho gia đình chị.
Xã Phong Sơn nơi chị Yến sinh sống hiện còn khoảng 100 hộ nghèo và cận nghèo, khá nhiều hộ vẫn đang ở trong nhà tạm bợ. Năm 2024, xã đặt mục tiêu xóa hết nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Đến cuối năm 2023, huyện Phong Điền còn 615 hộ nghèo với 1.220 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,05%. Theo dữ liệu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt chiều nhà ở, năm 2024, huyện dự kiến có 41 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần xây mới nhà ở. Mục tiêu đặt ra của địa phương năm nay sẽ kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo về 1,85%.
Huyện Phong Điền chỉ đạo nhà ở xây dựng cho hộ nghèo, cận nghèo được nhà nước, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ dưới 80 triệu đồng. Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện thống nhất trích từ nguồn xã hội hóa để bảo đảm mức hỗ trợ xây dựng 80 triệu đồng/nhà.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng góp sức tích cực trong việc chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở Thừa Thiên - Huế. Từ tháng 4, 5 căn nhà tình nghĩa, trị giá mỗi căn 60 triệu đồng, đã được khởi công bởi sự hỗ trợ của Công ty điện lực tỉnh.
Tới cuối tháng 9, 5 căn nhà được bàn giao cho các hộ gồm: Gia đình bà Hà Thị Thương (thị xã Hương Trà); gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hiền (huyện Phú Vang); gia đình bà Nguyễn Thị Mong (huyện Quảng Điền); gia đình bà Trương Thị Hương (huyện Nam Đông) và gia đình ông Hồ Văn Tâm (huyện A Lưới). Các hộ gia đình được hỗ trợ đều là hộ nghèo hoặc cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công việc không ổn định, cuộc sống bấp bênh, lại chịu ảnh hưởng nặng nề sau các đợt dịch bệnh…
Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững, đa chiều. Thêm một căn nhà vững chãi, an toàn được xây, sửa đồng nghĩa với việc người nghèo, hộ nghèo được tiếp thêm niềm hi vọng, yên tâm lao động để phát triển cuộc sống.