15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Huyện Phong Điền nằm ở phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích trải rộng trên cả 3 vùng núi đồi, đồng bằng, đầm phá và bờ biển. Thực hiện Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển huyện Phong Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những bước chuyển mình về kinh tế - xã hội, huyện đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành các tiêu chí để đề nghị công nhận đô thị loại IV năm 2023, xây dựng Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025.
Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay toàn huyện Phong Điền có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 13 xã được UBND tỉnh công nhận; còn 2 xã Phong Sơn và Phong Chương đã hoàn thiện hồ sơ trình Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh.
Đối với các xã trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, qua rà soát 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, đến nay có 2 xã Phong An và Điền Lộc đạt 16/19 tiêu chí, dự kiến cuối năm 2023 đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Đối với công tác xây dựng huyện nông thôn mới, hiện nay huyện đạt 2/5 chỉ tiêu, phấn đấu đến cuối năm 2023, huyện sẽ hoàn thành các chỉ tiêu còn lại để được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, dự kiến cuối năm 2023, có 2 xã sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Điền Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, huyện cần quyết tâm hơn nữa trong việc hoàn thiện các tiêu chí, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức dân để thực hiện các tiêu chí.
Để thực hiện được theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, huyện sẽ tiếp tục tham mưu tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng thôn, bản, làng xóm và của từng hộ gia đình tích cực tham gia thực hiện các nội dung chương trình nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới.
Tiếp tục phối hợp tham mưu công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện, trong đó tập trung vào các chính sách mới của Trung ương, tỉnh, huyện; xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các trường học, trạm y tế, cơ sở dạy nghề đạt chuẩn quốc gia.
Phối hợp tham mưu thực hiện nếp sống văn minh đô thị và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp; củng cố hệ thống chính trị, giữ vững tình hình an ninh trật tự ở nông thôn,...
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các phong trào về môi trường gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh nông thôn. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư chỉnh trang khu trung tâm đô thị các đơn vị dự kiến xây dựng phường….
Triển khai mô hình mẫu xã chuyển đổi số
Vào đầu tháng 10/2023, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Phong Điền triển khai mô hình mẫu xã chuyển đổi số tại xã Phong An.
Theo đó, mô hình hướng đến mục tiêu chuyển đổi, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, trong đó lấy người dân làm trung tâm chính để mỗi người dân trưởng thành có điện thoại thông minh, người dân làm chủ được Hue-S và thụ hưởng được các dịch vụ trên Hue-S.
Theo đó, Hue-S phải đảm bảo các yếu tố để hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm: Nhận thức và kỹ năng số, công dân số, chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Đây cũng là 4 sản phẩm chính của mô hình chuyển đổi số ở xã Phong An.
Ngoài triển khai các sản phẩm chính, việc triển khai mô hình chuyển đổi số ở xã Phong An còn có các sản phẩm hỗ trợ gồm: thu thập địa chỉ số, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hỗ trợ thực hiện báo cáo kinh tế xã hội, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, điểm thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch chủ động, mạng lưới Wifi công cộng, hỗ trợ điện thoại cho người dân hộ nghèo và cận nghèo.
Với mô hình chuyển đổi số tại xã Phong An sẽ phát huy được hiệu quả và tạo nền tảng để triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện Phong Điền nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung trong thời gian tới.
Ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An, cho biết, hiện nay, tỷ lệ dân số trong xã có điện thoại thông minh đạt 85%, 55% người 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng. Hiện xã cũng đã lắp đặt 12 điểm wifi công cộng miễn phí, 18 điểm camera giám sát. Tỷ lệ người dân được cấp định danh điện tử đạt 82,89%....
Việc chuyển đổi số cấp xã nhằm giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phục vụ nhân dân. hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh, chính quyền quảng bá hình ảnh, thông tin, sản phẩm, dịch vụ, nét văn hóa đặc trưng của địa phương lên môi trường mạng và các sàn thương mại điện tử.