Phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra vào cuối tháng 4, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ ấn tượng với cách làm giảm nghèo mang đậm bản sắc của tỉnh. Mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, phát huy tối đa nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực vận động từ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm còn 2,27% (7.540 hộ) cuối năm 2023, giảm hơn 1,2% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (giảm bình quân 0,7-0,75%). Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo của khu vực 14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (2,27%/3,83%), đứng thứ 4/14.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn 1,76% (tương đương giảm thêm 1.595 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo về 5.945 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 4% trở lên.
A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ này còn 24,4%, bình quân hàng năm giảm 8,56%, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ đề ra (hàng năm giảm từ 4-5%).
Tháng 9 năm nay, A Lưới đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện thoát nghèo năm 2024. Mục tiêu của UBND tỉnh đặt ra cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện về còn 15,83% nhưng quá trình thực hiện năm 2024 cho thấy, dự kiến, cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới giảm còn 14,34%.
Thực tế, tại Thừa Thiên - Huế, công tác giảm nghèo không chỉ thể hiện trên con số, mà điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo tại tỉnh Bắc Trung bộ này đã được cải thiện và nâng cao. Thông qua nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề, nước sạch và vệ sinh…
Tại địa phương này, năm 2024, một số dự án, mô hình, giải pháp giảm nghèo, chương trình lồng ghép của các ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tiêu biểu tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả, như chăm lo cho người nghèo và vận động Quỹ vì người nghèo; Dòng họ, làng bản không có hộ nghèo; các dự án/mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn thoát nghèo, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình...
Trong đó, các dự án, mô hình hỗ trợ đa dạng hoá sinh kế phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đang ngày càng thể hiện giá trị, hiệu quả thiết thực, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đúng hướng.
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại Thừa Thiên - Huế không chỉ được hỗ trợ "cần câu", gồm vốn, giống, thức ăn của vật nuôi (như gà, lợn, bò, thuỷ sản...) từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mà còn được hướng dẫn "cách câu" như hỗ trợ đào tạo nghề, cách nuôi trồng đúng khoa học, quy định, cách phòng trừ bệnh tật cho cây trồng vật nuôi hay vệ sinh chuồng trại... Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát diện hộ nghèo, hộ cận nghèo bền vững, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn giúp các hộ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ba năm qua, hơn 550 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đã tham gia các mô hình phát triển nông nghiệp, như: Nuôi gà lai kiến thả vườn, gà đệm lót sinh học, nuôi bò sinh sản, nuôi lợn thịt...
Năm qua, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.034 người; trong đó có 1.586 lao động thuộc hộ nghèo, 1.560 lao động thuộc hộ cận nghèo (có 103 lao động trong số này đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Riêng về nhà ở, đến nay, có 1.946 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã, đang được xây mới, sửa chữa.
Giảm nghèo là tiêu chí quan trọng trên hành trình đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, tỉnh cần ưu tiên cân đối nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương, huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, địa phương cần chú trọng các giải pháp để làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giải quyết đất, vốn sản xuất và có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người không có khả năng lao động, các đối tượng yếu thế khác.
Các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo cần được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tế từng địa phương, trường hợp nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong quá trình thực hiện, tỉnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện Chương trình.