Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động bị mất việc làm, hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức tiếp nhận hồ sơ lao động thất nghiệp tại 3 cơ sở của đơn vị. Lực lượng các bộ, nhân viên của Trung tâm luôn túc trực, sẵn sàng tư vấn cho người lao động.
Sau 8 tháng của năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải quyết hơn 5.300 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền khoảng 77 tỷ đồng.
Trong số lao động bị mất việc làm đã đến làm các thủ tục hỗ trợ về bảo hiểm thất nghiệp, có hơn 10% đã được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp theo diện lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các ngành nghề được chuyển đổi chủ yếu như: may công nghiệp, nấu ăn, lái xe, các nghề về thương mại điện tử, công nghệ thông tin….
Theo ông Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp về bản chất là hỗ trợ cho người lao động khi người lao động bị mất việc làm có điều kiện tích cực đi tìm việc làm mới, sớm quay trở lại thị trường lao động.
Nỗ lực kết nối việc làm và đào tạo nghề cho lao động
Dịch Covid-19 khiến hơn 300 doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế phải dừng hoạt động, ước tính có hơn 7.500 lao động bị dừng hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, theo thống kê, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 95.000 người đang sinh sống, làm việc ngoại tỉnh. Nhiều người trong số đó là những lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động. Qua các đợt dịch, người lao động Thừa Thiên Huế liên tục hồi hương do thất nghiệp hoặc giãn cách xã hội.
Ngoài hỗ trợ giải quyết thủ tục trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đã thường xuyên tổ chức cung cấp, tư vấn thông tin cho người lao động để họ có thể tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm. Đồng thời, kết nối, tư vấn cho người lao động học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho những người có nhu cầu.
Đơn vị này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các hình thức kết nối cung cầu lao động bằng những hình thức khác nhau như: tư vấn trực tuyến, qua website vieclamhue.com.vn, qua fanpage Việc Làm Huế, tổ chức các buổi phỏng vấn trực tuyến cho các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Đảm bảo, duy trì hoạt động thường xuyên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đối với những lao động đã có tay nghề từ các tỉnh phía Nam trở về, đơn vị này cho biết sẽ rà soát, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu.
May mặc là ngành nghề đang có nhu cầu lao động cao ở Thừa Thiên Huế. |
Qua khảo sát, hiện nay, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 8.000 vị trí việc làm. Đặc biệt, lĩnh vực may mặc có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 đến 6.000 vị trí việc làm. Đây là cơ hội để cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 có thể tiếp cận.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên - Huế, cơ quan này đang phối hợp các ban, ngành và địa phương nghiên cứu các giải pháp phù hợp để tạo việc làm cho các lao động trở về có nhu cầu ở lại làm việc tại quê hương lâu dài.
Trong số các lao động về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… có rất nhiều lao động là công nhân có tay nghề, kinh nghiệm làm việc tại các khu công nghiệp, xí nghiệp lớn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn tuyển dụng nhóm lao động này.
Ngọc Linh