- Doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn tăng nhanh về quy mô nhưng hiệu quả lại thấp so với doanh nghiệp các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Vì thế, trước khi nghĩ đến những mục tiêu cao xa thì DN phải đổi mới công nghệ và tăng năng suất hiệu quả để tồn tại trong cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Một bức tranh về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam không mấy sáng sủa vừa được phác họa tại buổi Công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ của Tổng cục Thống kê.
Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê nói: "Chúng ta vẫn đang ở tình trạng doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng chủ yếu phát triển mạnh về quy mô, vốn, lao động và doanh thu, thực tế hiệu quả vẫn thấp, thấp hơn nhiều nước, trong đó có những nước ngay bên cạnh như Thái Lan, Indonesia. Điều này cũng giống như tình trạng kinh tế hiện nay".
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt vẫn còn thấp (ảnh mang tính minh hoạ: Phạm Huyền) |
Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (cập nhật tại thời điểm 31/12/2016) trên cả nước là 477.808 doanh nghiệp, tăng 8% so với năm 2015 (442.485 doanh nghiệp).
Trong giai đoạn 2000-2015, bình quân mỗi năm, số lượng doanh nghiệp có hoạt động tăng thêm 17,6% nhưng trong đó, 10 năm đầu, số lượng doanh nghiệp tăng 21,8%, 5 năm sau chỉ tăng 9,6%.
Ông Thuý giải thích, số thống kê trên bao gồm cả 3 thành phần là DN tư nhân, DNNN và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỷ lệ số các DN vừa và nhỏ vẫn không thay đổi, chiếm khoảng 97%, quy mô siêu nhỏ với 60% doanh nghiệp có số lao động dưới 10 người.
Với số lượng này, tổng vốn thu hút vào khu vực doanh nghiệp cả nước tính đến 31/12/2015 đạt 23.657 nghìn tỷ đồng. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2000-2015, vốn thu hút tăng thêm cho sản xuất kinh doanh 22,8%, nhưng trong đó, giai đoạn 10 năm 2000-2010, vốn tăng mạnh là 25% thì giai đoạn 5 năm gần đây, 2010-2015, vốn chỉ tăng thêm 14%/năm.
Cũng trong giai đoạn 15 năm này, doanh thu của khu vực doanh nghiệp đạt gần 15 triệu tỷ đồng (14.949 nghìn tỷ đồng). Trong đó, tốc độ tăng doanh thu bình quân 15 năm qua tương tự như đà tăng của vốn, mỗi năm tăng 21,6%. 10 năm đầu, doanh thu tăng mạnh 25,3%/năm thì 5 năm sau, chỉ tăng 14,2%/năm.
Điều đáng tiếc là lợi nhuận của các doanh nghiệp lại tăng thấp hơn so với mức tăng của vốn và doanh thu. Cụ thể, tính đến năm 2015, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp chỉ đạt 552,7 nghìn tỷ đồng. Bình quân 15 năm qua, mỗi năm, các doanh nghiệp chỉ tăng 19% lợi nhuận, trong đó, lợi nhuận tăng mạnh 24,1%/năm trong 10 năm đầu 5 năm gần đây, lợi nhuận bình quân chỉ tăng 7,5%/năm.
Chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp cũng đạt thấp với con số 746,4 nghìn tỷ đồng, tính tới năm 2015. Bình quân 15 năm qua, khu vực doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách tăng 18,2%, trong đó, 10 năm đầu, mức tăng đóng góp cho ngân sách của doanh nghiệp là 21,1%/năm thì 5 năm sau, chỉ tăng 11,6%/năm.
Có thể thấy, trong 15 năm qua, dù các doanh nghiệp vẫn liên tục thành lập mới, số lượng phát triển nhiều hơn nhưng lợi nhuận- một thước đo về hiệu quả và chất lượng của doanh nghiệp lại luôn tăng thấp hơn hẳn so với tốc độ tăng của vốn và doanh thu. Theo các con số công bố trên, tỷ suất lợi nhuận (trước thuế) trên doanh thu chỉ đạt 3,7%, trên vốn đạt 2,3%. Điều này cũng kéo theo con số nộp ngân sách cũng ngày một khiêm tốn hơn, thấp hơn tốc độ tăng của vốn, doanh thu và lợi nhuận. Cả chỉ số về hiệu quả doanh nghiệp càng ảm đạm hơn ở giai đoạn 5 năm gần đây.
Lý giải về sự èo uột này, ông Phạm Đình Thuý cho rằng, một phần do quy mô của doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất nhỏ, cả về vốn và lao động, điều kiện kỹ thuật vẫn rất lạc hậu. Giai đoạn 2010-2015 là giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới, năm 2015, doanh nghiệp cũng vừa mới thoát khỏi khó khăn, nên ảnh hưởng đến lợi nhuận và nộp ngân sách.
Riêng quý I năm nay, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục, đạt con số hơn 110.000 doanh nghiệp nhưng số đi vào hoạt động có doanh thu mới chỉ chiếm 41%, nghĩa là hơn nửa số doanh nghiệp còn lại vẫn chưa hoạt động.
Chưa kể, tình trạng doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn chưa giảm. Năm 2016 có tới 12.478 doanh nghiệp giải thể, tăng 31,8% so với năm 2015. Có những tỉnh, số doanh nghiệp đóng cửa này tăng gấp 5-6 lần năm ngoái như Hưng Yên, Lâm Đồng.
Đó là một trong nhiều lý do mà theo ông Thuý, dẫn tới hệ quả là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I giảm.
Trước thực trạng này, ông Thuý cũng bày tỏ lo lắng: "Đã có nhiều cảnh báo năng suất của doanh nghiệp rất thấp và có thể thua ngay trên sân nhà. Hiện nay, hàng ngoại tràn ngập thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc. Kể cả nhiều sản phẩm cùng loại được nhập khẩu về, doanh nghiệp trong nước tuy sản xuất được nhưng không tiêu thụ được do sức cạnh tranh thấp".
"Khối doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP. Với những tồn tại về năng suất, chất lượng, điều kiện kỹ thuật, năng lực quản trị kinh doanh của khu vực doanh nghiệp như hiện nay thì hiệu quả, chất lượng của nền kinh tế sẽ thấp. Thực tế hiện nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển theo chiều rộng", ông Thuý chia sẻ.
Phạm Huyền