Chỉ 4 năm trồng đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cây quế được người Dao của huyện Văn Yên (Yên Bái) mệnh danh là "vàng xanh". Loại cây này không chỉ xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc mà còn là cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện. Đến nay, Văn Yên được ví như "thủ phủ" của cây quế tại Việt Nam.
Chị Bùi Thị Thêu trồng 2ha quế sau khi loại cây này được giá 10 năm qua. Trước đây gia đình người phụ nữ này sống chủ yếu bằng việc làm nương rẫy. Chị Thêu từng phải vay ngân hàng 90 triệu để đầu tư. "Tôi mất 5 năm để trả nợ, đến nay đã hoàn tất. Gia đình cũng xây nhà mới, đời sống ổn định", chị Thêu nói.
Quế lâu năm có giá trị cao, vì vậy chỉ khi cần dùng đến tiền, chị Thêu mới đốn hạ. Hàng ngày, chị đi làm tại các xưởng quế trong vùng, thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày công.
Tại một xưởng chế biến ở huyện Văn Yên, đội ngũ công nhân tất bật làm việc khi vào mùa thu hoạch. Thân quế dùng làm gỗ, vỏ cây chế biến quế khô có giá trị xuất khẩu. Quả của cây quế được bà con thu lượm để ươm thành cây giống, hoa quế phơi khô làm nước uống... Đặc biệt, những năm gần đây, lá và cành quế cũng được bà con thu gom, bán lại cho các xưởng lớn để chưng cất tinh dầu thô.
Tại xưởng quế, bà con sử dụng các máy móc công suất lớn hỗ trợ sản xuất, nâng cao sản lượng chế biến. Trung bình các xưởng chạy được 24 - 30 nồi chưng, thu về 200kg tinh dầu/ngày.
Với chu kỳ 10 năm, 1ha quế sẽ cho thu về khoảng 35mt cành lá, 30mt vỏ và 40m3 gỗ. Tổng giá trị kinh tế người dân thu về khoảng 1 tỷ đồng/ha/10 năm.
Hiện nay các xưởng chế biến quế tại Văn Yên đều có đầu ra ổn định, chủ yếu là xuất khẩu đi Trung Quốc, Mỹ... hoặc được các công ty thu mua trực tiếp, giải quyết nhu cầu việc làm của lao động quanh vùng, đem về thu nhập ổn định khoảng 9 triệu đồng/tháng/người.
Để các sản phẩm từ quế vươn xa, hiện nay, huyện Văn Yên đang mở rộng diện tích trồng quế hữu cơ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật giúp bảo vệ môi trường và đưa ra thị trường sản phẩm sạch đảm bảo chất lượng.
Những vườn ươm với số lượng hàng chục nghìn cây, không chỉ đáp ứng nhu cầu cây dùng cho huyện nhà mà còn là mặt hàng buôn bán, vận chuyển đi các tỉnh thành khác. Giá cây quế giống dao động 1.000 - 1.500 đồng/cây.
Bên cạnh đó nhờ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương, nay, huyện Văn Yên có trên 4.500ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Châu Mỹ. Từ việc sản xuất quế hữu cơ, đời sống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt đối với các hộ dân tham gia dự án sản xuất quế hữu cơ đều có thu nhập cao, ổn định giúp người dân thoát nghèo bền vững.