Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT về việc báo cáo nội dung liên quan đến các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến việc thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí (trong đó có Báo VietNamNet) phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở phản ánh của báo chí, xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp.
Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 này.
>>> Xem văn bản Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về các loại chứng chỉ với viên chức TẠI ĐÂY.
Có giảm được 'gánh nặng' chứng chỉ cho giáo viên?
Như VietNamNet phản ảnh, thời gian vừa qua, giáo viên và viên chức nhiều ngành nghề khác nêu lên hàng loạt bất cập trong việc học, thi các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Trong đó, việc yêu cầu phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để giữ hạng hay thăng hạng với giáo viên, nhưng hướng dẫn chưa cụ thể đã gây ra tình trạng ở một số địa phương, giáo viên đang ồ ạt đi học chứng chỉ với tâm lý đối phó, gây tốn kém, lãng phí và bức xúc.
Ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng phụ trách (Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT) khẳng định đây là yêu cầu theo quy định của Luật Viên chức. Do đó, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tư Long (Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ) cho rằng, không nên có suy nghĩ “cứ chứng chỉ là không tốt”. Nếu chứng chỉ phục vụ cho đúng yêu cầu của quản lý nhà nước, đáp ứng đúng yêu cầu của đội ngũ viên chức xuất phát từ việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của họ thì “chứng chỉ không có tội tình gì cả”, không việc gì phải bỏ đi cả.
Nhưng vấn đề của các loại chứng chỉ bây giờ là đang có sự lẫn lộn, quá nhiều và nội dung trùng lắp, vì vậy mới gây những bức xúc trong đội ngũ giáo viên gần đây. Vì vậy, theo ông Long điều cần thiết bây giờ không phải là bỏ hay không bỏ một loại chứng chỉ nào đó mà cần phải rà soát lại hết tất cả những yêu cầu về điều kiện bắt buộc của từng loại chứng chỉ và đặc biệt là nội dung, chương trình của các loại chứng chỉ xem có xuất phát từ đúng yêu cầu của tiêu chuẩn, vị trí việc làm hay không để tránh lãng phí, tốn kém cho xã hội.
"Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì hơn ai hết Bộ phải rà soát lại và phải có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ, có cần hay không cần chứng chỉ này và lý do của việc bỏ hay giữ là gì.
Vấn đề nếu bỏ đi thì cũng phải xác định rất rõ phương thức quản lý sẽ như thế nào?" - ông Long nói.
Thu Hằng - Thanh Hùng
Thứ trưởng Nội vụ chỉ lý do giáo viên khổ với chứng chỉ thăng hạng
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, những phản ánh liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có giáo viên hiện nay có vấn đề là do thiếu quy định chuyển tiếp.
Chuyển từ quản lý theo chứng chỉ sang quản lý theo thực tài
Then chốt thay đổi ở toàn bộ câu chuyện quản lý viên chức chính là chuyển từ quản lý theo văn bằng, chứng chỉ sang quản lý theo thực tài.
Bộ GD-ĐT 'quán triệt' việc bổ nhiệm và xếp hạng giáo viên
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập
Bộ Nội vụ nói về đề xuất bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên
Đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, Bộ GD-ĐT phải có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và lý do của việc bỏ hay giữ là gì.