- Lời xin lỗi nhân dân của Thủ tướng giống như một thông điệp gửi đến cả hệ thống hành chính nhà nước, tất cả cán bộ, công chức.
Chân lý giản dị - biết nói lời cám ơn và xin lỗi - lại không hề đơn giản trong nền hành chính nước ta.
Đã qua nhiều năm cải cách hành chính nhà nước, nhưng tư duy và hành động của đại bộ phận cán bộ,công chức, viên chức vẫn chưa thay đổi là bao,vẫn có thói quen coi giải quyết công việc của người dân, tổ chức là ban phát ân huệ, là người dân, tổ chức cần mình.
Với một tư duy, nhận thức như vậy, khi có ai trong đội ngũ đó làm sai thì làm sao có chuyện ngỏ lời xin lỗi. Chính vì vậy mà cách đây mấy tuần, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt lên công chức phải học mấy cái xin: xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cám ơn. Quá buồn cho nền công vụ Việt Nam, vì những cái xin này là những cái rất "người", là những giá trị tương đối phổ biến trong đời sống hàng ngày, nhưng lại rất khó vô nền hành chính. Và vì khó vô nên phải học để vô được.
Đấy là nói mấy vị công chức bình thường, còn các vị lãnh đạo, quản lý thì sao?
Mấy năm gần đây, có khá nhiều việc, nhiều sự cố xảy ra ở ngành này, ngành kia và người dân, xã hội trông đợi một lời xin lỗi của những vị đầu ngành. Tưởng là sẽ có, nhưng không hề có. Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng vào một thứ rất đơn giản: anh có lỗi thì trước hết phải biết nhận. Nhận lỗi, xin lỗi trước và sau đó là hành động.
Chính trong bối cảnh không quen xin lỗi, nhận phần trách nhiệm của từng cơ quan hành chính trong phạm vi mình quản lý mà lời xin lỗi nhân dân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị với các doanh nghiệp hôm qua là một lời xin lỗi chân thành, nhưng đối với các cơ quan hành chính là lời cảnh tỉnh và báo động nghiêm trọng: ai có lỗi thì phải biết xin lỗi, tiếp sau xin lỗi là hành động khắc phục!
Lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ xin lỗi nhân dân, vì cho dù đã nỗ lực chỉ đạo cải cách hành chính, nhưng thủ tục hành chính vẫn phức tạp, phiền hà, công chức vẫn đang cố tình gây khó cho doanh nghiệp, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của cơ quan hành chính vẫn ở mức thấp. Hệ thống hành chính như vậy thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Mà người đứng đầu Chính phủ đã dám nhận lỗi thì người đứng đầu từng cơ quan hành chính từ trung ương đến cơ sở phải tự ý thức được phần "đóng góp" của mình vào cái mà Thủ tướng đã phải xin lỗi!
Cho nên, có thể nói, lời xin lỗi nhân dân của Thủ tướng giống như một thông điệp gửi đến cả hệ thống hành chính nhà nước, gửi đến tất cả cán bộ, công chức viên chức: chúng ta phải thay đổi, thay đổi từ cách biết xin lỗi để hành động sửa lỗi, phải dám nhận trách nhiệm và bằng cách đó phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.
Hy vọng rằng thông điệp xin lỗi của Thủ tướng là một dấu hiệu hướng đến một nền hành chính phục vụ, một nền hành chính mang lại sự hài lòng cao cho người dân và doanh nghiệp trong tương lai gần.