Chính phủ phải tự đổi mới để trở thành Chính phủ thời đại 4.0
Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2018 chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số” được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cùng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)-Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính phối hợp tổ chức hôm nay, ngày 17/8.
Trong phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hóa, tự động hóa, tin học hóa sang kỷ nguyên số hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo. Những thành tựu khoa học công nghệ tạo nên kỷ nguyên mới tác động vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh của sản xuất kinh doanh, từ sản phẩm, xu hướng thị trường và tiêu dùng, kỹ năng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị cho đến sự vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu và cả trong sự tương tác giữa thị trường và nhà nước.
Nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại-thời đại số mà dự báo sẽ tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội, Thủ tướng cho rằng, đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này thì trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng CNTT, công nghệ số mang lại và đáp ứng được thách thức của thời đại kinh tế số.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã bắt tay xây dựng CPĐT ngay từ đầu những năm 2000, gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách nền hành chính và đã có kết quả nhất định. Tuy nhiên, tốc độ còn rất chậm, kết quả còn hạn chế. Vì vậy, Diễn đàn có trách nhiệm nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tiễn xây dựng CPĐT tại Việt Nam và chứng minh việc ứng dụng CNTT, công nghệ số tạo ra phương thức mới cho hoạt động quản trị của Chính phủ là cách tốt nhất để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn thông qua việc tạo thuận lợi và bình đẳng hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận các cơ hội phát triển. Theo Thủ tướng, đây cũng biểu hiện rõ nét nhất giúp tăng cường công khai, minh bạch, phòng ngừa, hạn chế tham nhũng lãng phí trong hoạt động của chính quyền các cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động của nhà nước.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù Việt Nam đã tiến 10 bậc theo đánh giá của Liên Hợp quốc về CPĐT song vẫn đứng ở vị trí khiêm tốn là thứ 6 trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, còn nhiều tồn tại và bất cập trong triển khai CPĐT như: cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện; nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thiếu; hạ tầng thông tin có mức độ an toàn còn thấp; còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT; tốc độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng còn rất chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối thông suốt; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ.
Dồn sức, đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển Chính phủ điện tử
Thủ tướng cũng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng nền kinh tế số Việt Nam xung quanh 3 trụ cột chính. Đó là hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế. Tiếp theo là tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và thứ ba là chính sách chuyển đổi số, bao gồm các dịch vụ, chính sách chuyển đổi từ CPĐT sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng CPĐT phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả. Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên khác của Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng CPĐT, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công-tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
“Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai CPĐT và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu”, Thủ tướng cho hay.
Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần xác định và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, chính sách nền tảng cho xây dựng chính phủ điện tử, cụ thể là đầu tư ứng dụng CNTT; kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ thông tin cá nhân; xác thực điện tử cá nhân, tổ chức; hệ thống báo cáo điện tử; văn thư lưu trữ điện tử...
Khẳng định quan điểm con người là yếu tố đảm bảo cho thành công, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0 là đòi hỏi cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Không chỉ quan tâm đến đào tạo, giáo dục mà cùng với đó chúng ta còn phải thực sự quan tâm đến hệ thống động lực: thu nhập, bảo hiểm, điều kiện làm việc, cách thức đánh giá năng lực để có cơ chế cho người lao động, nhất là những người tài. “Muốn làm cách mạng thành công trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong CMCN 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một nhiệm vụ trọng tâm trước mắt nữa Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện là phát triển công nghệ. Cụ thể, cần tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cập nhật Khung kiến trúc CPĐT; rà soát, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung duy nhất ở các bộ, địa phương; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ và hệ thống điện tử về tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; liên thông giữa 2 hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia và chữ ký chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu dồn sức và đa dạng hóa nguồn lực để phát triển CPĐT trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người; phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia.
Nhận định văn hóa chia sẻ và hợp tác chưa đi vào tư duy của nhiều người Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, đây được xem là một trong những rào cản rất lớn trong việc phát triển nhanh Chính phủ số. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về CPĐT, Chính phủ số, Kinh tế số, Hạ tầng số thông qua việc triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, tạo ra sự đồng thuận của các bên để phát triển CPĐT.
Cũng trong phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng đã yêu cầu Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ các đề xuất, kiến nghị cụ thể của Diễn đàn; đồng thời giao Hiệp hội chủ trì cùng với các tổ chức xã hội khác thực hiện việc giám sát độc lập từ góc nhìn của khu vực tư nhân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng CPĐT, thúc đẩy kinh tế số tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 đã được Chính phủ đề ra trong các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.