Chiều 22/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị Halal “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ TS. Mohamed Jinna cho biết, nền kinh tế Halal toàn cầu trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD, mang lại cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng thương mại và thu hút đầu tư.
Ông bày tỏ vui mừng khi chứng kiến Việt Nam bước vào nền kinh tế Halal toàn cầu với sự quyết tâm và tầm nhìn xa.
TS. Yousif S.AlHarbi, Phó chủ tịch Trung tâm Halal của cơ quan thực phẩm và dược phẩm Ả rập Xê út (SFD) chia sẻ, dù tiêu chuẩn Halal tương đối mới với Việt Nam, nhưng giá trị cốt lõi về "sự tinh khiết, tính đạo đức và tôn trọng thiên nhiên" đã bén rễ sâu trong văn hóa Việt Nam.
Ông dẫn câu nói “ăn sạch, sống khỏe” của người Việt hoàn toàn phù hợp với bản chất của Halal.
TS. Yousif S.AlHarbi khẳng định, Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.
Trong khi đó, theo Tổng thư ký Viện Tiêu chuẩn các quốc gia Hồi giáo Mr. Ihsan ÖVÜT, bằng việc áp dụng tiêu chuẩn Halal trong du lịch, Việt Nam sẵn sàng mở rộng cửa để đón tiếp nhiều đối tượng khách du lịch hơn, đặc biệt là du khách từ các quốc gia Hồi giáo. Từ đó, Việt Nam định vị mình như một điểm du lịch hấp dẫn, tôn trọng nhu cầu văn hóa và tôn giáo.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ý nghĩa quan trọng của thúc đẩy ngành Halal Việt Nam.
Đó là kết nối con người Việt Nam với con người thế giới trong đó có đạo Hồi, kết nối Việt Nam với thế giới thông qua sản phẩm, dịch vụ Halal; kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu; kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa của nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia đạo Hồi; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal ở Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào bảo vệ sức khoẻ của người dân với tinh thần “ăn ngon, ăn sạch”.
Thủ tướng nêu rõ triển vọng của thị trường Halal, dự báo có quy mô lên tới 10 nghìn tỷ USD trước năm 2030.
Ngành công nghiệp Halal đa dạng từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược, mỹ phẩm, cho tới các ngành công nghiệp hỗ trợ, dây chuyền sản xuất, lưu kho, vận chuyển...
Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có ngành công nghiệp Halal.
Việt Nam mong muốn phát triển ngành Halal thực sự trở thành một ngành thế mạnh, trở thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.
Thủ tướng phân tích các lợi thế của Việt Nam từ môi trường chính trị, xã hội ổn định; cơ chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng; hạ tầng phát triển; có lợi thế về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; vị trí thuận lợi cho phát triển du lịch, giao thương...
Thủ tướng phân tích 3 thông điệp phát triển ngành Halal Việt Nam:
Việt Nam rất quan tâm và mong muốn đưa hợp tác về Halal thành “nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới” trong phát triển quan hệ với các nước, trong đó có cộng đồng Hồi giáo.
Việt Nam coi trọng phát triển ngành Halal, xác định đây là định hướng mới trong hoạt động sản xuất.
Việt Nam chủ trương phát triển ngành Halal trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa.