Sáng 1/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ thị sát các công trình giao thông, dự án động lực trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tham gia đoàn còn có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ và địa phương.
Tại dự án Cảng Liên Chiểu, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) báo cáo, dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, đến nay giá trị khối lượng thi công hoàn thành đạt 67,31%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến dự án Cảng Liên Chiểu - Cảng có vị trí chiến lược về mặt logistics.
Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng, các bộ ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực, thần tốc, hiệu quả hơn nữa, phấn đấu hoàn thành phần hạ tầng dùng chung và đường ven biển kết nối Cảng Liên Chiểu trước 30/8/2025.
Tại dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan, Thủ tướng hỏi thăm, động viên từng cán bộ, kỹ sư, người lao động và biểu dương tinh thần làm việc của các đơn vị thi công. Thủ tướng biểu dương TP Đà Nẵng đã nỗ lực giải phóng mặt bằng đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thủ tướng đánh giá, dự án đang phát huy đúng tinh thần chỉ đạo “vượt nắng thắng mưa, không bàn lùi, chỉ bàn làm, thi công 3 ca 4 kíp” để đảm bảo tiến độ công trình.
Về việc còn một vài hộ chưa bàn giao mặt bằng, Thủ tướng nêu rõ, lãnh đạo địa phương cần trao đổi với người dân, để người dân hiểu “Đảng và Nhà nước không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu lo cho nhân dân được hạnh phúc ấm no”.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đơn vị thi công cố gắng đẩy nhanh tiến độ đến 30/8/2025 hoàn thành dự án, để có con đường xuyên suốt.
Tại khu vực nghiên cứu lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành (chức năng là khu dịch vụ logistics, diện tích khoảng 420 ha) – 1 trong 4 vị trí dự kiến xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về chủ trương lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển.
Thủ tướng cũng lưu ý cần nghiên cứu, tính toán kỹ các vấn đề nguyên vật liệu san lấp; diện tích đất sau khi lấn biển cần thực hiện đúng chức năng theo tiêu chí Khu thương mại tự do, những vị trí đẹp nhất dành cho sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng trò chuyện cùng học sinh Trường Hy Vọng
Đến trưa cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến thăm, trò chuyện cùng các học sinh, thầy cô tại Trường Hy Vọng (quận Ngũ Hành Sơn). Đây là trường dành cho trẻ em không may mắn, mất cha mẹ vì đại dịch Covid-19.
"Tôi rất hoan nghênh ý tưởng này. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Khi khó khăn, có những mất mát hy sinh thì mọi người lại đoàn kết thương yêu lẫn nhau…Hy vọng các con gìn giữ và phát triển lên một tầm cao mới. Đại đoàn kết toàn dân tộc là một di sản quý báu cần phát huy ở tầm cao mới, thời đại mới. Đấy là mong muốn của các bác đối với các con”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng chúc mừng nhà trường đã có nhiều học sinh vào được đại học và mong muốn năm nay trường lại có những thành tích tốt hơn.
“Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn bên cạnh các học sinh Trường Hy Vọng nói riêng và học sinh cả nước nói chung. Chúng ta luôn coi con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể, là nguồn lực cho sự phát triển, không chạy theo phát triển mà quên đi an sinh xã hội. Đầu tư cho các em học sinh là đầu tư cho phát triển. Đầu tư này bao gồm cả chính sách, cơ chế, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất để giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trường Hy Vọng được thành lập năm 2021, nhằm nuôi dưỡng, đào tạo các em học sinh mất cha mẹ vì đại dịch Covid-19, với mong muốn chia sẻ, yêu thương, nâng bước trưởng thành cho các em. Sau 3 năm, trường có hơn 300 học sinh đến từ 43 tỉnh, thành phố và 13 dân tộc anh em trên cả nước.
Trường Hy Vọng hiện đã trải qua 6 đợt tuyển sinh với hơn 300 em đến từ 43 tỉnh thành.