Tờ Bangkok Post dẫn lời Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra ngày 14/1 cho biết: "Tôi muốn cảnh báo mọi người rằng bản thân tôi cũng suýt sập bẫy trong một vụ lừa đảo tinh vi. Bộ Kinh tế và Xã hội kỹ thuật số đã thụ lý vụ việc. Chúng tôi phải thừa nhận rằng các vụ lừa đảo và gian lận ngày càng tinh vi hơn".
Nhà lãnh đạo Thái Lan kể, bà nhận được một tin nhắn thoại trong đó người gọi tự xưng là lãnh đạo một quốc gia khác, thông báo rằng bà vẫn chưa thực hiện khoản quyên góp như mong đợi. Tuy nhiên, liên kết mà bà được cung cấp để thực hiện khoản đóng góp lại ở một quốc gia khác.
Bà Paetongtarn Shinawatra cho biết thêm, kẻ lừa đảo đã dùng AI để sao chép giọng nói của một nhà lãnh đạo nước ngoài (mà bà không nêu cụ thể là ai) và gửi đoạn ghi âm nói người đó muốn làm việc với bà. Thủ tướng Thái Lan đã trả lời bằng tin nhắn với nội dung "Đồng ý". Tới 11h đêm ngày 13/1, kẻ lừa đảo gọi điện nhưng cuộc gọi bị lỡ vì bà đã đi ngủ.
Sáng hôm sau, tin nhắn thoại thứ 2 được gửi tới khiến bà nghi ngờ. Kẻ lừa đảo gửi một đoạn ghi âm yêu cầu bà quyên góp tiền vì Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất chưa đóng góp. "Khi nghe tới đó, tôi nghĩ rằng điều này không đúng", Thủ tướng Thái Lan kể.
Một tin nhắn văn bản tiếp tục được gửi tới, yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng ở ngoài Thái Lan càng xác nhận những nghi ngờ của bà. "Tôi chắc chắn đó là một vụ lừa đảo khi đọc tin nhắn đó".
Thủ tướng Paetongtarn đã yêu cầu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số Prasert Jantararuangthong xử lý vụ việc vì băng nhóm lừa đảo này không dùng ứng dụng Line mà sử dụng ứng dụng của một quốc gia nước ngoài. Bà tin rằng những kẻ lừa đảo cũng có thể nhắm mục tiêu vào nhiều người khác.
Cái gọi là các tổng đài lừa đảo khá phổ biến ở Thái Lan, trong đó những kẻ lừa đảo mạo danh cảnh sát, quan chức chính phủ hoặc nhân viên ngân hàng thường dùng các cuộc gọi tự động để thực hiện cuộc gọi đầu tiên.