Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, chiều nay (8/6), ĐBQH Thuận Hữu (Hải Phòng) cho rằng năm 2019, các chỉ tiêu KTXH đạt kết quả quan trọng, tạo đà, giảm thiểu khó khăn cho 2020 khi Việt Nam và toàn thế giới chống chọi với Covid-19.

Tăng trưởng những tháng đầu năm đạt khoảng 3,8%, thấp nhất trong vài năm gần đây, nhưng so với thế giới và khu vực thì vẫn cao. 

Để khôi phục kinh tế, Chủ tịch Hội Nhà báo cho rằng, cần phải có các giải pháp chuẩn bị trước làn sóng đầu tư mới, nếu không sẽ mất đi cơ hội, phải có các giải pháp giải quyết những tồn đọng lớn đang gây bức xúc như các dự án yếu kém hàng nghìn tỷ đồng “đắp chiếu, trùm mềm”.

“Không nhanh chóng tháo gỡ thì tiền càng đắp chiếu nằm đấy càng mất, càng thất bại, mất lao động, mất cả cán bộ và mất rất nhiều thứ… “, ĐB Thuận Hữu nói và nhận định, Thủ tướng rất tâm tuyết, Chính phủ rất quyết liệt, nhưng hình như các bộ, ngành chưa quyết liệt cùng một hướng, cứ đưa việc này ra lại ách tắc việc kia, không dám quyết.

{keywords}
ĐBQH Thuận Hữu (Hải Phòng) 

ĐB TP Hải Phòng dẫn chứng dự án nhiệt điện Thái Bình đầu tư gần đến nơi rồi, còn một đoạn nữa mà vẫn “đắp chiếu”, không xử lý được. “Tính thiệt hại thì mỗi ngày mở mắt ra mất 1 con Toyota, Camry. Dự án Gang thép Thái nguyên cũng thế. Chúng tôi rất đau khổ”, ông Hữu chia sẻ.

Hay dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xem là “nhức nhối nhất” khi đầu tư rất nhiều tiền, mất rất nhiều thời gian mà đến giờ không biết bao giờ sử dụng. Theo ông Thuận Hữu, dự án này cũng gần xong, nhưng giờ tổng thầu “đòi” 50 triệu USD để vận hành là “nhát dao chém vào lòng tin của người dân”. 

“Đường sắt đó nếu không xử lý nhanh sẽ biến thành bảo tàng đường sắt. Dân bức xúc ghê gớm lắm, tiền nhiều như thế, mà cứ đội vốn liên tục”, ông Thuận Hữu nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ, nhất là các bộ ngành vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ, xử lý dứt điểm, không để kéo dài vì càng kéo dài càng thiệt hại.

''Quá đau lòng khi chúng ta mất cán bộ nhiều quá''

Còn theo Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt đánh giá tình hình, điều lớn nhất đã tạo được môi trường chính trị, môi trường đầu tư, lòng tin chính trị rất tốt. 

“Qua công tác phòng, chống dịch, tôi thấy rất đúng vai, rất thuộc bài”, ông Việt nói và cho rằng, điều này đã “lan toả” đến các tỉnh, thành.

“Đúng vai, thuộc bài đưa lại hiệu quả kinh tế rất lớn, thậm chí đưa lại lòng tin chính trị, không có tiếng vào, tiếng ra”. Vì vậy, cần có chuyển hoá cơ chế để từ Trung ương đến địa phương luôn luôn “đúng vai, thuộc bài”.

{keywords}
 

Điểm sáng nữa là Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất năng động, sáng tạo trong giải quyết điểm nghẽn và ách tắc. Bộ máy của chúng ta đã chuyển động.

“Ngày xưa nói chuyển động thì thấy khó chịu, nhưng giờ ai không chuyển động thì thấy lạc lõng. Địa phương, Trung ương hoạt động rất tích cực. Tôi để ý nhiều địa phương rất năng động, sáng tạo”, ông Việt phát biểu.

Theo ông Việt, những kết quả đạt được khiến nhiều nước trên thế giới “thèm muốn”, “Họ thèm thật, thèm cơ chế chính sách, thèm điều hành, thèm lòng nhiệt huyết và trí thông minh của ta”.

Nêu quan điểm về xử lý các dự án “đắp chiếu” là vấn đề rất khó. ĐB cho rằng Quốc hội khoá 15, 16 có khi vẫn nhắc đến chuyện này. 

Chủ nhiệm UB QPAN cũng băn khoăn khi sức ì, tính dám làm, dám chịu trách nhiệm trong bộ máy các cấp chưa được nhiều. Cạnh đó, còn có “lỗ hổng” quá lớn về cơ chế chính sách và chấp hành pháp luật. “Quá đau lòng khi chúng ta mất cán bộ nhiều quá”, ông Việt bày tỏ.

ĐBQH đề nghị, những gì đúng, vì lợi ích phát triển đất nước thì cương quyết bảo vệ, làm đến cùng để không mất đi cơ hội. “Quá trình vận hành, điều hành đất nước giữa cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ chúng ta phải thống nhất”.

Trần Thường

Bí thư Hà Nội mong muốn đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác trước tháng 10

Bí thư Hà Nội mong muốn đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác trước tháng 10

Chia sẻ với báo chí bên lề Quốc hội (QH) chiều 8/6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ mong muốn "dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành, khai thác càng sớm càng tốt và trước tháng 10 càng tốt”.