Mở đầu bài phát biểu, ông Lý Hiển Long nói rằng, Đông Nam Á bắt đầu trở thành sân chơi của các nước lớn từ thời Singapore trở thành tiền đồn buôn bán của người Anh khoảng 200 năm trước cho đến thời Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20. Ông Lý cũng gợi lại về lịch sử Đông Nam Á qua những cuộc chiến tranh và những giai đoạn bị chia rẽ.
Sau đó ông nêu ra viễn cảnh về cục diện chiến lược hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo ông, thế giới đang đứng ở bước ngoặt, xu thế toàn cầu hóa đang bị đe dọa và căng thẳng giữa Mỹ-Trung leo thang.
“Giống như tất cả mọi người, chúng tôi ở Singapore rất lo lắng. Chúng tôi tự hỏi tương lai sẽ ra sao và làm thế nào các nước có thể cùng nhau tìm ra biện pháp duy trì hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”, ông Lý phát biểu.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc hội nghị Shangri La 2019. Ảnh: Strait Times |
Thủ tướng Singapore cũng thúc giục Trung Quốc "nên thể hiện vai trò lớn hơn" nhằm xây dựng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm và hào hiệp, không cần phải sợ hãi.
Như vậy, Trung Quốc sẽ được tôn trọng như một cường quốc đáng tin cậy để hỗ trợ cho hòa bình và ổn định khu vực. Trên cơ sở đó, ông cho rằng Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp thông qua ngoại giao và thỏa hiệp hơn là ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời tôn trọng lợi ích và quyền lợi cốt lõi của các quốc gia khác.
Nói về sự cạnh tranh giữa Mỹ-Trung Quốc hiện nay, ông Lý cho rằng cuộc đối đầu giữa hai cường quốc là “không thể tránh khỏi về mặt chiến lược”.
“Mỹ vẫn là nước mạnh nhất trên thế giới. Nền kinh tế Mỹ vẫn luôn đổi mới và mạnh mẽ nhất, và về quân sự thì vượt trội các nước khác. Mỹ lo lắng về việc Trung Quốc sẽ bắt kịp, nhưng dù Bắc Kinh có thể đi trước Washington trong một số lĩnh vực, sẽ phải mất nhiều năm nữa để nước này ngang hàng với Mỹ", ông nói.
"Sẽ là tự nhiên khi hai cường quốc tranh giành quyền lực và tầm ảnh hưởng, nhưng cạnh tranh không nên kéo theo xung đột. Chúng tôi hy vọng Mỹ-Trung sẽ tìm thấy một hướng cạnh tranh mang tính xây dựng, nhưng đồng thời cũng hợp tác cùng nhau trong các vấn đề lớn vì lợi ích chung và tầm quan trọng trên toàn cầu”, ông nhấn mạnh
Khi nói về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các tổ chức đa phương khác, ông Lý cho rằng hiện Mỹ đã mất niềm tin vào WTO.
“WTO là một trong những thể chế chính trong trật tự toàn thế giới sau chiến tranh, nhưng bây giờ nó gần như bị tê liệt và cần nhanh chóng thay đổi. Mỹ hiện nay hành động đơn phương, áp đặt việc thuế quan và trừng phạt thương mại ngoài khuôn khổ quy định của WTO. Nước này cũng ưu tiên cho đàm phán các thỏa thuận song phương 1-1 với các nước nhỏ. Điều này sẽ tạo lợi thế cho Mỹ bằng việc mang lại lợi ích lớn hơn trong các tranh chấp, hơn là lợi ích của việc duy trì hệ thống đa phương”, Thủ tướng Singapore cho biết.
Ông Lý cho biết, những nước nhỏ như Singapore khó có thể gây ảnh hưởng đến các cường quốc, nhưng không phải là không có vai trò gì. Theo ông, các nước nhỏ hơn có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực và xây dựng các thể chế đa phương. Theo ông, các nước nên hợp tác đa phương để có thể đóng góp cho sự thịnh vượng và an ninh của khu vực, chẳng hạn như dự án Vành đai Con đường (BRI).
“Bằng cách này, chúng ta có thể tăng cường ảnh hưởng với tư cách một nhóm quốc gia, và nâng cao vị thế tập thể về các vấn đề quan trọng như thương mại, an ninh hoặc công nghệ”, ông nhận định.
“Khi các nhóm quốc gia tăng cường hợp tác kinh tế, họ sẽ tăng cường không chỉ sự thịnh vượng chung mà còn cả an ninh tập thể. Với trách nhiệm lớn hơn đối với thành công của nhau, các nước nhỏ sẽ có động lực lớn hơn để duy trì trật tự quốc tế có lợi cho nhiều quốc gia lớn lẫn nhỏ”, Thủ tướng Singapore kết luận.
Tuấn Trần