Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phu nhân và đoàn tại sân bay, về phía Ba Lan có Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Wladyslaw Teofil Bartoszewsky, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Ba Lan; về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện kiều bào Việt Nam tại Ba Lan.
Dự kiến trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao của Ba Lan. Thủ tướng thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw; thăm Viện Nghiên cứu Quốc gia về An ninh mạng – NASK; tiếp lãnh đạo Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan và tiếp các tập đoàn kinh tế hàng đầu Ba Lan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan; dự chương trình Xuân Quê hương 2025 và chúc Tết bà con Việt kiều tại Ba Lan...
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ba Lan trước thềm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (4/2/1950 - 4/2/2025) rất có ý nghĩa. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Ba Lan sau 18 năm.
Chuyến thăm càng có ý nghĩa khi từ 1/1/2025 Ba Lan giữ chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) với vị thế, vai trò ngày càng quan trọng trong EU, trong khi Việt Nam và EU cũng đang kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Chuyến thăm Ba Lan của Thủ tướng góp phần thúc đẩy việc thông qua vai trò của Ba Lan tại EU để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Ba Lan nói riêng, Việt Nam - EU nói chung.
Chuyến thăm là cơ hội để hai bên cùng đánh giá lại quan hệ hợp tác song phương và xác định các lĩnh vực cùng quan tâm, có thể đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, đây là cơ hội để tạo ra không gian cho các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước, tăng cường sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy kim ngạch thương mại, trao đổi khoa học và học thuật.
Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước, Ba Lan công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm, ngày 4/2/1950. Người dân Ba Lan luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho đất nước, con người Việt Nam. Ba Lan đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Ba Lan cũng giúp đỡ đào tạo hàng nghìn cán bộ, kĩ sư Việt Nam để xây dựng đất nước trong thời bình.
Kể từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, Ba Lan đã đào tạo trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu cho Việt Nam. Hiện nay, hàng năm chính phủ Ba Lan vẫn dành cho sinh viên Việt Nam 20 suất học bổng và dự kiến sẽ tăng thêm.
Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại Trung Đông Âu, trong khi Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 30.000 người, có nhiều dấu ấn nổi bật, tích cực hòa nhập vào xã hội Ba Lan, đóng góp đáng kể vào việc duy trì, phát triển quan hệ truyền thống, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực.