Thủ tướng Phạm Minh Chính từng có nhiều năm học tại Trường đại học Xây dựng Bucharest và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Romania, nên ông khá am hiểu về lịch sử và công trình kiến trúc nổi tiếng Nhà Quốc hội của Romania.
Nằm ngay tại trung tâm cả về địa lý và lịch sử của Thủ đô Bucharest là Nhà Quốc hội uy nghi, thu hút sự chú ý của những người có dịp ghé qua nơi đây bởi phong cách kiến trúc cầu kỳ, độc đáo, gây ấn tượng.
Tòa nhà được khởi công xây dựng vào năm 1984 và hoàn thành vào năm 1989 với tổng diện tích khuôn viên 365.000m2. Tòa nhà còn được gọi là “Ngôi nhà của nhân dân” với 1.000 căn phòng gồm 440 phòng làm việc, 30 cung hội nghị, 4 nhà hàng, 3 thư viện, cung hòa nhạc…
Chiều dài của tòa nhà là 270m, chiều rộng 240m, chiều cao trên mặt đất 86m và chiều sâu dưới mặt đất là 92m. Tòa nhà có 12 tầng nổi và 8 tầng chìm, trong các tầng chìm có hầm chống bom nguyên tử.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo đánh giá có khoảng 100.000 công nhân đã làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, trong vòng gần 6 năm dưới sự hướng dẫn của 700 kiến trúc sư và điều khiển của nữ tổng công trình sư Anca Petrescu 28 tuổi.
Tòa nhà Quốc hội là công trình nặng nhất thế giới với khoảng 4 triệu tấn, 1 triệu m3 đá. Mỗi phòng có nét đặc biệt riêng do có lượng kiến trúc sư đông đảo, mỗi người đều mang đến một nét riêng biệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn tham quan các phòng trung tâm, tiếp tân, chiêu đãi, khiêu vũ, phòng báo chí.... Hành lang và các phòng được trang trí theo kiểu Romania thế kỷ 17, trên các hoa văn có các hình hoa đối xứng. Chính giữa phòng trung tâm có chiếc thảm nặng khoảng 1 tấn với hoa văn mô phỏng nền đá hoa của tòa nhà.
Phòng khiêu vũ có thể chứa được 1.000 người, trên tường và trần phòng trang trí ốp vàng, đồng và nhiều vật liệu khác. Diện tích căn phòng khoảng 2.200m2, là căn phòng lớn nhất tòa nhà.
Theo lời hướng dẫn viên, Thủ tướng và đoàn đã đi bộ 1,5km và lên xuống 200 bậc cầu thang nhưng mới chỉ xem được một phần rất nhỏ của công trình.
Trần Thường từ thủ đô Bucharest, Romania