Theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, nước Chủ tịch BRICS năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự hội nghị với tư cách khách mời.
Hội nghị là một nội dung quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển, có sự tham dự của lãnh đạo các thành viên BRICS và lãnh đạo hơn 30 nước khách mời, trong đó có Thủ tướng Việt Nam.
Đây cũng là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nga, diễn ra tại thời điểm hai nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham gia tích cực và đóng góp trách nhiệm tại Hội nghị BRICS mở rộng.
Dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể của Hội nghị BRICs mở rộng.
Sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định mạnh mẽ tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề chung của nhân loại.
Ngoài các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp Bộ trưởng Năng lượng Nga; Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Nga và gặp lãnh đạo một số nước…
Với chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, hội nghị năm nay khẳng định trọng tâm và ưu tiên là tăng cường hợp tác, phối hợp giữa BRICS và các nước đang phát triển nhằm chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người dân.
Dự kiến, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi về những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường kết nối kinh tế giữa BRICS với các nước Nam bán cầu.
Đồng thời tăng cường hợp tác trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng một hệ sinh thái quản trị toàn cầu cân bằng, hiệu quả, bao trùm, đề cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển.
Mục tiêu và trọng tâm xuyên suốt của hội nghị là tăng cường hợp tác vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhóm BRICS ban đầu được Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc thành lập vào năm 2006. Sau đó Nam Phi gia nhập vào năm 2010. Đầu năm nay, nhóm BRICS đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nhưng vẫn giữ nguyên tên cũ.
Với sự có mặt của các thành viên mới từ đầu năm 2024, nhóm BRICS chiếm 46% dân số thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, BRICS hiện chiếm 36% GDP toàn cầu xét theo phương pháp ngang giá sức mua.