- Thủ tướng nhấn mạnh phải coi lũ lụt như giặc, nhưng nhiều nơi chưa nhận thức được, dẫn đến chủ quan trong chỉ đạo, điều hành.

Chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm qua là năm thiệt hại đặc biệt về cả về thiên tai và nhân tai khiến 264 người chết, hơn 400 người bị thương, thiệt hại tài sản gần 1% GDP của cả nước.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Trong bối cảnh nặng nề như vậy, người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao các địa phương, các ngành chức năng đã phối hợp tốt trong việc khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn. Nhiều cán bộ lăn xả, không ngại nguy hiểm.

“Dù thiên tai dồn dập nhưng chúng ta đã không để người dân nào đứt bữa, đói cơm hay phải ngủ màn trời chiếu đất. Đó là một sự phấn đấu lớn”, Thủ tướng khen ngợi.

Bệnh chủ quan trong chỉ đạo

Thủ tướng cho rằng vẫn cần nhìn thẳng vào sự thật là còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống thiên tai.

“Trước hết phải coi lũ lụt như là giặc nhưng nhiều nơi chưa nhận thức được, dẫn đến chủ quan trong chỉ đạo, điều hành, gây thiệt hại lớn”, Thủ tướng lưu ý.

Ngay luật Phòng chống thiên tai đã có hiệu lực từ 1/5/2014 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia. Các bộ ngành và địa phương chưa quan tâm, cụ thể hoá được các tình huống sát thực tế để có phương hướng xử lý, dẫn tới khi thiên tai ập đến còn lúng túng.

Thủ tướng cũng chỉ ra bất cập khi một số công trình thuỷ điện thiếu kiểm tra, giám sát ngay từ khi lập quy hoạch, chưa quan tâm tác động thiên tai hay vẫn còn các công trình giao thông cản lũ khi thiết kế cống quá nhỏ, trong khi lưu lượng lũ lớn.

“Hồ chứa nước thì phải phục vụ cả chống hạn, nhưng khi hạn hồ lại trơ đáy thì phải xem lại quy trình điều tiết. Hay nhiều tỉnh, thành phố ngay cạnh biển nhưng không thoát được lũ ra biển thì phải xem lại quy hoạch có sai không?”, Thủ tướng dẫn chứng.

Về công tác dự báo, Thủ tướng cho rằng dù anh em đã rất cố gắng, có được những thành công nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, việc dự báo còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều khi gây bất ngờ lớn.

“Đáng lưu ý, quy trình thủ tục khắc phục, hỗ trợ sau thiên tai còn chậm, máy móc. Phần tiếp nhận, phân bổ hỗ trợ tại một số địa phương còn chưa kịp thời, minh bạch”, Thủ tướng nhắc nhở.

Trong năm 2017, với nhận định Việt Nam tiếp tục là 1 trong 5 nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đối khí hậu, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao tinh thần 4 tại chỗ.

“Đề nghị công tác phòng chống thiên tai cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp với phương châm lấy phòng ngừa là chính”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu trong cơ chế chính sách, cần thay đổi theo hướng cho cấp xã được trích lại một phần quỹ phòng chống thiên tai để chủ động.

“Quỹ phòng chống thiên tai do xã, phường thu thì lại nộp hết cho tỉnh, thành phố xong xã lại đi xin lại, tạo cơ chế xin cho là không thoả đáng”, Thủ tướng nói rõ.

Song song đó, ông yêu cầu phải hoàn thiện chiến lược quốc gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Trong đó từng địa phương xây dựng kế hoạch sát thực tế, không được để người dân khó khăn, thiếu đói, bệnh tật khi thiên tai xảy ra.

“Hiện một số ca nô sắm về rất hiện đại nhưng về có chạy đâu. Hồi tôi còn trai trẻ cũng đi chống bão lụt suốt, nhiều phương tiện máy cũng không nổ”, Thủ tướng nói.

Thủy điện xả lũ: Ba bề bốn bên dân không biết đi đâu

Thủy điện xả lũ: Ba bề bốn bên dân không biết đi đâu

Chúng ta không phát triển thủy điện bằng mọi giá cũng như không phát triển các dự án bằng mọi giá - Bộ trưởng Công thương khẳng định.

Thủy điện xả lũ báo tin 1h sáng, trở tay không kịp

Thủy điện xả lũ báo tin 1h sáng, trở tay không kịp

Việc xả lũ của nhà máy thủy điện An Khê – KaNak vào lúc 1 giờ sáng 1/11 khiến nhiều huyện trở tay không kịp...

Cơn khát dưới chân hồ đập thủy điện

Cơn khát dưới chân hồ đập thủy điện

Các khu du lịch dọc sông ở huyện Buôn Đôn lâm vào cảnh sống dở, chết dở.

Thúy Hạnh