Sáng ngày 28/5, tỉnh Ninh Bình tổ chức công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị và trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, tỉnh luôn xác định quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo ra cơ sở pháp lý, có tính khoa học, thực tiễn để định hướng phát triển.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo đúng quy trình, trình tự quy định và tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về quan điểm phát triển, tỉnh Ninh Bình kiên định theo hướng “xanh, bền vững và hài hòa”, lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực cho phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ; phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; coi trọng phát triển văn hóa; tăng cường liên kết vùng và mở rộng hợp tác quốc tế.
Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh Ninh Bình cũng xác định “ba nền tảng”, “bốn trụ cột” phát triển kinh tế và “7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá”.
Tỉnh Ninh Bình cũng xác định 3 vùng chức năng, với vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển là thành phố Hoa Lư (trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư hiện nay). Quy hoạch hệ thống đô thị, kết cấu hạ tầng... Phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa với định hướng 7 đô thị trung tâm, gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II và 5 đô thị loại IV. Đối với khu vực nông thôn, sẽ phát triển hài hòa với xây dựng đô thị di sản.
Ninh Bình cần dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT để chuẩn bị chu đáo hội nghị quan trọng này.
Thủ tướng chỉ rõ, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng, nhanh, bền vững, toàn diện, có lớp lang; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có mặt đất, mặt nước, không gian ngầm, kết nối với các không gian khác.
Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện, cả trước mắt và lâu dài. Quy hoạch phải đi trước một bước, phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện có hiệu quả. Có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt, mang lại hiệu quả.
Theo Thủ tướng, quy hoạch tỉnh đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá, chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu di sản, du lịch.
Để triển khai quy hoạch được thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng lưu ý tỉnh Ninh Bình phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện.
UBND tỉnh mạnh dạn trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền với tinh thần "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".
Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị phát huy tinh thần "ba cùng": "Cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển"; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tham gia vào công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng các bộ, ngành, các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình và các địa phương "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải ra sản phẩm, có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được"; góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế mới, động lực mới cho phát triển.