Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảm bảo với người đồng cấp của mình rằng, máy thở do Mỹ sản xuất sẽ luôn có sẵn cho Nhật Bản.
“Chúng tôi có thể gửi cho nước bạn máy thở bất cứ lúc nào”, ông Trump nói. Mỹ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt máy thở và đã thành công trong việc tiết giảm chi phí.
Thật khó để dự đoán chuỗi cung ứng quốc tế sẽ rung chuyển như thế nào sau khi xảy ra đại dịch. Ảnh: Kyodo |
Đối với ông Abe thì đây là một sự giải thoát. Nhật Bản đang phải vật lộn để tăng cường sản xuất trong nước. Việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong hầu hết nguồn cung khẩu trang khiến cho Nhật Bản không thể đáp ứng nổi khi nhu cầu trong nước tăng vọt, do đó, Nhật phải thúc đẩy công ty điện tử Sharp bắt tay vào sản xuất.
Đảm bảo nguồn cung cấp y tế để đối phó với đại dịch đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo thế giới.
Vì vậy, sự thiết hụt này khiến cho người Nhật quay trở lại với cuộc tranh luận phải kéo sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Chính phủ Nhật buộc phải bắt đầu hành động khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm cho vấn đề an ninh kinh tế trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Trong tháng 4/2020, nội các Nhật Bản đã chi 248,6 tỷ Yen (tương đương 2,33 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Nhật. Con số này chiếm đến 2/3 chi phí cho việc di dời này.
Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Mỹ.
“Giữa đại dịch virus corona, Thủ tướng Nhật Abe đã đề xuất xây dựng chính sách kinh tế ‘rời khỏi Trung Quốc’ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói và thêm rằng, phía Mỹ “nên coi điều này là một ưu tiên”.
Mặc dù số tiền hỗ trợ di dời trên chiếm chưa đến 1% trong gói kích thích virus corona 108 nghìn tỷ Yen của Nhật, nhưng rõ ràng Trung Quốc đã cảnh giác. Bắc Kinh không chỉ ép các nhà chức trách Nhật Bản giải thích ý nghĩa của biện pháp này, mà còn thăm dò các doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc về việc họ có kế hoạch di dời hay không.
Rõ ràng, chính phủ Nhật Bản muốn tránh lặp lại tình trạng thiếu khẩu trang, nhưng gói hỗ trợ 2,3 tỷ USD không đủ để thay đổi tình hình.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshi DA Suga nói chuyện với báo chí tại văn phòng thủ tướng vào ngày 24/4 (Ảnh: Nikkei) |
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshi DA Suga nhấn mạnh sự cần thiết phải tự chủ hơn.
“Lấy câu chuyện khẩu trang làm ví dụ, 70-80% được sản xuất tại Trung Quốc”, ông nói và cho rằng phải tránh phụ thuộc quá mức vào các quốc gia cụ thể đối với các sản phẩm hay nguyên liệu. Các hàng hoá cần thiết cho đời sống hàng ngày cần phải được mang về nước sản xuất.
(Theo Nikkei/ Dân trí)