- Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác nhắc nhở các bộ chậm trễ thực hiện nhiệm vụ: Bộ TN&MT “nợ” quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số địa phương; Bộ GTVT qua 2 lần gia hạn vẫn chưa hoàn thành việc thi công 1km cao tốc mẫu để làm căn cứ tính chi phí đầu tư…
Sáng nay, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ ngành để rà soát việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, tối qua, Thủ tướng gọi ông yêu cầu báo cáo về nội dung dự kiến đưa ra tại cuộc họp và truyền đạt những yêu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tới đại diện các bộ, ngành dự họp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Cụ thể, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công thương với việc cắt giảm mạnh các thủ tục, điều kiện thời gian vừa qua. Thủ tướng cũng ghi nhận cố gắng của Bộ Y tế trong việc xử lý những chồng chéo giữa các bộ về quản lý hàng hoá trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Thủ tướng lưu ý các bộ việc xem xét cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Tinh thần của lãnh đạo Chính phủ là chỉ đạo các bộ gương mẫu cắt bỏ giấy phép con, những rào cản làm giảm năng lực cạnh tranh của DN, tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho DN.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cắt giảm danh mục hàng hoá, đơn giản hoá thủ tục và cắt giảm điều kiện kinh doanh là 3 yêu cầu cụ thể đề ra với các bộ. “Việc cắt giảm bãi bỏ phải thực chất chứ không chỉ mang tính chất hình thức, cơ học thuần tuý, cắt giảm không phải chỉ là sửa chữa, cài cắm câu chữ, cắt thủ tục này để mọc quy định khác”, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao, không để nhiệm vụ quá hạn. Người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở cụ thể các bộ về một số nhiệm vụ chậm trễ.
Ông dẫn chứng, Thủ tướng từng giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT trình Thủ tướng quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đến 2030 nhưng đến nay Bộ này vẫn thiếu bản quy hoạch của nhiều tỉnh thành, làm chậm lại kế hoạch nhiều địa phương.
Nhiệm vụ khác được Thủ tướng nhắc là việc giao Bộ GTVT thi công thí điểm 1km đường mẫu cao tốc để làm căn cứ xác định chi phí đầu tư, tính thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án một cách minh bạch. Thời hạn đầu tiên được đề ra là tháng 10/2016, sau đó đã phải gia hạn tới 31/7/2017. Đến nay, dù quá hạn thực hiện nhiệm vụ rất lâu, Bộ GTVT vẫn chưa hoàn thành.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt lời nhắc nhở của Thủ tướng với một số dự án như cảng Quy Nhơn, cảng Cái Mép - Thị Vải… vì công việc vẫn chậm trôi. “Thủ tướng đòi hỏi tinh thần, không việc gì được phép lơ là, bỏ qua”, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Tránh cài cắm câu chữ để gài bẫy doanh nghiệp
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu những con số thống kê về số mặt hàng, số văn bản cần rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá theo chỉ tiêu giảm tối thiểu 50% thủ tục của từng bộ ngành cụ thể.
Như Bộ Y tế vẫn còn 802 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, mới giảm được ở danh mục các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tức vẫn còn hơn 400 mặt hàng nữa cần cắt giảm, nằm ở lĩnh vực thiết bị y tế, dược…
Bộ NN&PTNT chưa xem xét với 128 mặt hàng cũng như 37 bộ thủ tục hành chính. Bộ TN&MT có 132 mặt hàng mà đến nay chưa đề xuất cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, như vậy còn 55 mặt hàng cần xem xét. Bộ GTVT có 127 mặt hàng chưa đề xuất cắt giảm, như vậy cần đề xuất cắt giảm với ít nhất 64 mặt hàng, có 9 bộ thủ tục hành chính chưa đề xuất cắt, tức có 5 bộ thủ tục thuộc diện cần đề xuất xem xét…
Về điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý vẫn nhiều điều kiện kinh doanh còn quy định chung chung, hô hào như kiểu “phải sạch sẽ”, “phải rõ ràng”, “phải phù hợp”… rất khó khăn cho việc thực hiện, lượng hoá.
“Chúng ta tránh việc các quy định về điều kiện kinh doanh cài cắm câu chữ để gài bẫy DN. Nhiều DN nói là họ bị bẫy, cơ quan chức năng vui vẻ thì qua, không vui thì bắt ngay cũng được. Vậy nên cần xem xét, có hướng sửa cho việc này”, ông nói.
Không thể bao cấp
Giải trình với Tổ công tác của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về xây dựng định mức cho 1 km đường cao tốc thực tế triển khai gặp vướng mắc và đã có báo cáo giải trình xin ý kiến VPCP. 1 km đường không mang tính đại diện do điều kiện mỗi vùng, địa hình địa chất khác nhau. Vì thế Bộ này đề xuất xây dựng định mức cho 1km đường cao tốc phân chia theo khu vực Bắc - Trung - Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông |
Tuy nhiên, cách xác định định mức cũng cần thay đổi theo tư duy thị trường chứ không thể bao cấp, đong đếm số lượng vật liệu đưa vào như trước đây. Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng đề án mới về định mức, theo hướng xác định theo năng suất, đảm bảo tính thị trường.
Ngoài ra, hiện chưa có dự án cao tốc mới nào được đưa vào đầu tư, trừ cao tốc phía Đông sẽ triển khai trong tương lai nên thiếu cơ sở tính toán.
“Hiện đang thiếu 2 điều kiện để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng là chưa có dự án mới triển khai để gắn vào và đang trong quá trình cùng Bộ Xây dựng xây dựng đề án chung về định mức theo quan điểm mới. Vướng mắc này Bộ đã báo cáo 2-3 lần lên VPCP và đã nhận được sự đồng thuận”, ông Đông chia sẻ.
Doanh nghiệp kêu phải vắt chân lên cổ chạy thủ tục
Doanh nghiệp kêu phải chạy vắt chân lên cổ may ra mới kịp làm giấy phép xuất nhập khẩu chỉ vì thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá rắc rối.
'Có thủ tục là có làm khó, có đánh chén'
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”.
Thủ tướng: 'Thủ tục bán gà còn lâu hơn nuôi gà'
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn", Thủ tướng nói.
Tranh luận với Cục trưởng Bộ Y tế về thủ tục
Các thành viên tổ công tác của Thủ tướng tranh luận với Cục trưởng Bộ Y tế về thủ tục kiểm dịch thú y đối với thực phẩm đóng gói.
Bộ không được 'đẻ' thủ tục
ĐBQH đề nghị các cơ quan không được “đẻ” thêm quy định, thêm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý ngoài luật. Đồng thời quy định rõ văn bản từ cấp bộ trở xuống không được “đẻ” thêm thủ tục.
Thu Hằng