Vietnam ICT Summit là diễn đàn chính sách, công nghệ và kết nối hợp tác doanh nghiệp quy mô quốc gia và quốc tế được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức thường niên dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.

Theo thông tin vừa được VINASA công bố, Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2016 sẽ diễn ra vào ngày 24/9/2016 tại Hà Nội, dự kiến sẽ thu hút sự tham dự của trên 500 đại biểu là lãnh đạo cấp cao của các bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, các ngân hàng, các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu lớn về ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực cạnh tranh; lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT hàng đầu trong nước và quốc tế cùng các nhà khoa học, chuyên gia.

Đặc biệt, VINASA cũng cho biết, Diễn đàn năm nay nhận được sự quan tâm đặc biệt của các  lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trực tiếp tham gia và chỉ đạo Vietnam ICT Summit 2016. VINASA cho biết Văn phòng Chính phủ đã xác nhận việc Thủ tướng và Phó Thủ tướng sẽ tham dự và chỉ đạo Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2016.

Vietnam ICT Summit 2016 sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng số tại 4 phiên tọa đàm chuyên sâu, bao gồm: Xây dựng quốc gia khởi nghiệp; Xu hướng IoT, smart city; Phát triển hạ tầng CNTT; Đảm bảo an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Ngoài ra, bên lề Diễn đàn năm nay tiếp tục có một số hoạt động nhằm tạo cơ hội kết nối hợp tác cho các doanh nghiệp CNTT với các đối tác tiềm năng như: Triển lãm Vietnam ICT Best Practices và giải Golf giao lưu Vietnam ICT Golf Open 2016.

Cũng theo Ban tổ chức, chủ trì các phiên toạ đàm tại Vietnam ICT Summit 2016 là những nhân vật uy tín trong ngành như: TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông; GS.TSKH. Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước; PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA; TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA.

Các đại biểu khách mời tham gia thảo luận tại các phiên toạ đàm dự kiến sẽ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng các Bộ TT&TT, KH&CN, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng các chuyên gia kinh tế, xã hội, công nghệ, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước.

Với những chủ đề đang được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội quan tâm, Ban tổ chức Vietnam ICT Summit 2016 kỳ vọng các phiên toạ đàm sẽ có nhiều ý kiến đóng góp quý báu để chắt lọc, tổng hợp đưa vào thông điệp công bố khi kết thúc Diễn đàn.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Trưởng BTC Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2016 nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tốc độ và quy mô vô cùng lớn, có khả năng làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, đem đến những cơ hội và thách thức vô cùng to lớn đối với mọi quốc gia, dân tộc.

“Sự bùng nổ của Internet, IoT, Cloud, Mobile, Social Analystics là nền tảng cho sự thay đổi này. Cần làm gì để vượt qua thách thức và không bỏ lỡ cơ hội phát triển của dân tộc trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4? là câu hỏi mà Ban tổ chức mong muốn tìm được phần nào câu trả lời tại Diễn đàn cấp cao về CNTT-TT Việt Nam lần thứ 6 năm 2016”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi mạnh đời sống KT-XH toàn cầu

Theo VINASA, năm 1784, cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất xảy ra: sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp này đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều khu công nghiệp trên khắp châu Âu và Mỹ, kéo theo hệ quả là các thành thị ngày càng thu hút nhiều người. Chính điều này đã đẩy nhanh quá trình đô thị hóa thời cận đại. Đặc biệt, nhiều đô thị với dân số trên 1 triệu người hình thành. Cuộc cách mạng thứ nhất đem lại cho nhân loại nhà máy, xí nghiệp cùng các công ty trách nhiệm hữu hạn. 

Năm 1870, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn; kéo theo sự phát triển  của ngành sản xuất hàng tiêu dùng như: đồ uống và thực phẩm, quần áo, vận tải; đồng thời kích thích sự phát triển của ngành giải trí với việc ra đời hàng loạt rạp chiếu phim, phát thanh, máy ghi âm… Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, nhân loại có thêm xăng dầu, mạng điện, dây chuyền lắp ráp, xe hơi, nhà chọc trời trang bị điều hòa và thang máy. 

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba năm 1969 sử dụng điện tử và CNTT để tự động hoá sản xuất. Với tiền đề là cuộc cách mạng máy tính, cách mạng công nghiệp lần thứ ba đã cho ra đời hàng loạt những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Apple, IBM Microsoft, Intel…

Ngày nay, thế giới đang ở giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (FIR). FIR đã bắt đầu vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ này và xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo và “học máy”. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hứa hẹn những tiến bộ trong ngành khoa học robot, xu hướng Internet của vạn vật (Internet of Things), dữ liệu lớn (Big Data), điện thoại di động và công nghệ in 3D; sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trên toàn cầu.