Xây dựng Chính phủ điện tử là một việc lớn, lâu dài
Văn phòng Chính phủ ngày 3/4 đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) tại hội nghị trực tuyến ngày 12/2 của Ủy ban với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.
Trong kết luận hội nghị, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao vai trò của các thành viên Ủy ban quốc gia về CPĐT và nỗ lực của Tổ công tác giúp việc Ủy ban, Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ xây dựng CPĐT, huy động được các doanh nghiệp CNTT, chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia, hỗ trợ thực hiện.
Ủy ban quốc gia về CPĐT được thành lập, trước đây Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực, thời gian gần đây đã chuyển cho Bộ TT&TT theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Đây là cơ quan đầu mối, điều phối, huy động các sức mạnh để thúc đẩy triển khai CPĐT thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Thủ tướng cũng đồng ý để Ủy ban quốc gia về CPĐT chỉ đạo thêm các nội dung về đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, không thành lập thêm các Ban chỉ đạo mới về việc này.
“Tổ công tác giúp việc Ủy ban đã tập hợp được nhiều chuyên gia, nhiều thành phần khác nhau, giúp tư vấn nhiều vấn đề, nội dung. Đây là ví dụ tốt về huy động tri thức, trí tuệ của nhiều chuyên gia”, Thủ tướng nhận định.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, xây dựng CPĐT là một việc lớn, lâu dài, cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và phải huy động, chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp thì mới thành công.
Xác định yếu tố con người và thể chế là đầu tiên trong xây dựng CPĐT, sau đó mới đến công nghệ là công cụ hỗ trợ đổi mới quản trị công, cải cách hành chính. Việc hoàn thiện thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho CPĐT.
Xây dựng CPĐT phải gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, đi liền với chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, đổi mới cách thức vận hành, phương thức xử lý công việc của Chính phủ, chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ số trong nước cần tích cực tham gia, đồng hành cùng cơ quan nhà nước xây dựng CPĐT và coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển CPĐT Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để triển khai trên thị trường quốc tế.
“Không để xảy ra việc hai cơ quan cùng điều phối về CPĐT”
Nhấn mạnh năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và năm cuối của giai đoạn 2019-2020 thực hiện Nghị quyết 17 về CPĐT, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về CPĐT đặt ra tại Nghị quyết 17 và Nghị quyết 01 ngày 1/1/2020 của Chính phủ, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Theo Thủ tướng, CPĐT là thay đổi cách thức vận hành của Chính phủ, của chính quyền các cấp, người đứng đầu các cấp có vai trò quyết định, không chỉ dẫn dắt quá trình thay đổi mà còn phải là người sử dụng đầu tiên, thường xuyên, hàng ngày các ứng dụng CPĐT.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ,cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu này và trực tiếp chỉ đạo, triển khai, sử dụng các ứng dụng CPĐT, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Các bộ, ngành, địa phương cũng được chỉ đạo phải khẩn trương hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đến hết tháng 6/2020, 100% văn bản điện tử được gửi, nhận ở cả 4 cấp chính quyền đáp ứng yêu cầu về nội dung, thẩm quyền, thể thức, ký số và xác thực theo quy định;
Đến hết năm 2020 tất cả các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung một cách phù hợp, bảm đảm hiệu quả; Tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền về CPĐT, chính quyền điện tử kết hợp với an toàn, an ninh thông tin, không chỉ cho cán bộ chuyên trách về CNTT mà còn cho cán bộ, công chức, viên chức…
Với Bộ TT&TT, Thủ tướng yêu cầu, Bộ thực hiện vai trò là cơ quan điều phối thống nhất toàn quốc về CPĐT, tổng hợp chiến lược, kế hoạch, các dự án đầu tư, thuê dịch vụ CNTT, kinh phí cho CPĐT, chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm đôn đốc thực hiện, lan tỏa kinh nghiệm tốt, bảo đảm tránh đầu tư lãng phí. Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về CPĐT các vấn đề bất cập, tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
“Các nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành sẽ do Bộ TT&TT chủ trì quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra việc hai cơ quan cùng điều phối về CPĐT. Các cơ quan triển khai CPĐT cho cơ quan, đơn vị mình và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ TT&TT”, Thủ tướng chỉ đạo.