- Thủ tướng Chính phủ đánh giá ngành Công Thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, tiên phong đi đầu trong cắt bỏ thủ tục hành chính, cải cách hành chính, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngày 15/1, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2017 là một năm nhiều thử thách nhưng cũng là năm đánh dấu bước chuyển khá căn bản của ngành Công Thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên mà tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao đều thực hiện đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu có mức vượt xa yêu cầu đề ra.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4% (năm 2016 chỉ tăng 7,4%) vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đưa ra.

{keywords}
 Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Năm 2017 là năm đặc biệt đánh dấu thành công trong lĩnh vực xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD, tăng trưởng trên 21%. Ngoài ra, năm 2017 cũng đánh dấu bước chuyển biến tích cực, đi đầu của ngành Công Thương khi đã tiên phong cắt giảm và đơn giản hoá hàng loạt thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh; tinh giản thu gọn bộ máy và cơ cấu lại nhân sự cho phù hợp và hiệu quả hơn...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết theo tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, Bộ Công Thương đã tiến hành những bước cải cách mạnh mẽ trên quan điểm toàn diện cải cách tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc bộ.

Nhưng điều quan trọng hơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay kết thúc năm 2017, Bộ đã cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng, tương đương giảm 36,5% số phòng trong toàn bộ.

Bộ cũng đã thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp (chiếm 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương); cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 508 thủ tục hành chính của Bộ...

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề ra hướng khắc phục cả trước mắt và chiến lược lâu dài. Điển hình như việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều lời khen ngợi trước những kết quả Bộ Công Thương đạt được trong năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Không có kiến thức thì xã hội không thể thịnh, không có nông nghiệp thì xã hội bất ổn, không có công nghiệp thì đất nước không giàu lên, không có thương mại thì xã hội không hoạt động.

“Xã hội có 4 loại hình thì Bộ Công Thương chiếm đến 2 thứ. Có thể nói, đây vừa là một trách nhiệm vừa là một vinh dự, danh dự của ngành công thương trước vận mệnh phát triển quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá ngành Công Thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, tiên phong đi đầu trong cắt bỏ thủ tục hành chính, cải cách hành chính, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cũng trong sáng 15/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh ngành Công Thương.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cấu trúc lại bộ máy, giúp bộ hoạt động hiệu quả theo hướng tinh giản, hiệu quả. Trong đó tích cực xử lý 12 dự án thua lỗ và giảm số đầu mối của Bộ từ 35 xuống còn 30.

“Tôi đã phát biểu lần trước ở đây rằng các đồng chí phải tái cơ cấu bộ máy của bộ để chất lượng hơn, tinh giản hơn, hết sức quyết liệt với thái độ dũng cảm, không sợ va chạm. Đụng đến con người là phức tạp nhưng các đồng chí đã làm khá mạnh mẽ, hiệu quả”, Thủ tướng khen ngợi Bộ Công Thương.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đánh giá việc bán vốn tại Sabeco là một hình mẫu, một khuôn khổ cho cổ phần hóa DN. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

L.Bằng