Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay (20/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành gần một tiếng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Tạo nhiều dấu ấn nổi bật
Khái quát những kết quả đạt được, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.
Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.
Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%).
Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, năm 2020 đạt khoảng 535 tỷ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh, trong đó điểm sáng là xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh, 9 tháng năm 2020 tăng trên 20%.
Các đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực) được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực.
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.
Phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được tăng cường và có những chuyển biến rõ nét.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được quyết liệt chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Phải phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra.
Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự tạo động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh…
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 20/10 |
Ngoài ra, việc đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực thi, chấp hành pháp luật có nơi chưa nghiêm. Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Khiếu kiện về đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương…
Theo Thủ tướng, từ thực tiễn chưa có tiền lệ, chúng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó đặc biệt là phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, thể chế pháp luật cần đi trước một bước, bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi với tư duy phát triển mới, phù hợp với thực tiễn và phải được hướng dẫn kịp thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Đồng thời, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia và tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
“Năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, trong thời gian tới, chúng ta tuyệt đối không chủ quan, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020. Đây cũng là kết quả thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng cho biết, trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2021: - GDP tăng khoảng 6% - CPI bình quân khoảng 4% - Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%. - Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8% - Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%. - Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%. - Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần tram. - Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%... Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025: - Tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%. - Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD. - Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. - Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%. - Năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm. - Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%. - Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm/năm. - Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%... |
Thu Hằng
Bộ ngành 'xắn tay áo', địa phương đổi mới để ngọn lửa tăng trưởng bùng lên
Thủ tướng sáng nay chủ trì hội nghị với DN “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức trực tuyến (93 điểm cầu gồm 63 địa phương, 30 bộ ngành) và trực tiếp qua VTV.