XEM CLIP:
Quê hương mỗi người chỉ một
Thủ tướng cảm nhận sâu sắc tình cảm sâu đậm, nồng ấm của đồng bào đã tới dự cuộc gặp mặt từ những nơi xa xôi trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp.
Ông dẫn lại câu thơ “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi” và những câu chuyện dân gian của dân tộc với những bài học có ý nghĩa quan trọng, sâu sắc để gửi gắm đến bà con kiều bào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Truyền thống của chúng ta là mỗi lúc khó khăn, thử thách lại nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định mình |
Cụ thể như câu chuyện Thánh Gióng để tượng trưng cho tinh thần, sức mạnh chống ngoại xâm; câu chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ để nói về tinh thần đoàn kết dân tộc; câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh để minh chứng cho tinh thần và kinh nghiệm ứng phó thiên tai, bão lũ... Suốt chiều dài lịch sử, nhân dân ta, cha ông ta đã vận dụng, phát huy những bài học, giá trị truyền thống lâu đời đó một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử.
Khái quát lại tình hình đất nước ta đã trải qua những thăng trầm, thách thức, biến cố lịch sử lớn, người đứng đầu Chính phủ đúc kết: Lúc rất khó khăn khi bắt đầu đổi mới, “làm không đủ ăn, xuất không đủ nhập, thu không đủ chi, đến nay, chúng ta đã phát triển đất nước với quy mô GDP đứng thứ 4 trong ASEAN, thu nhập bình quân đầu người 3.500 USD, có vị thế mới và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.
Điều này thể hiện qua kết quả Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự các sự kiện gần đây như Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh, cũng như kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chương trình tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng xanh…
Nhấn mạnh vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn mạnh với 5 triệu người, có liên hệ rất quan trọng với đất nước, Thủ tướng cho hay, khi làm việc với lãnh đạo bất cứ nước nào, ông cũng đề nghị quan tâm, tạo điều kiện, tạo cơ hội cho người Việt ổn định cuộc sống, đóng góp vào tình hữu nghị của hai nước và xây dựng nước sở tại.
“Rất đáng mừng là ở đâu, chúng ta cũng chứng minh được, ở đâu người ta cũng khen ngợi người Việt Nam chăm chỉ, thông minh, linh hoạt, vượt khó. Truyền thống của chúng ta là mỗi lúc khó khăn, thử thách lại nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định mình. Điều này được hun đúc qua các thời kỳ lịch sử, từ lòng yêu nước, thương nòi, từ tinh thần, sức mạnh đoàn kết”, Thủ tướng nói.
Kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của đất nước
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và gần đây là Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.
Thời gian tới, điều được Đảng, Nhà nước mong muốn nhất là bà con kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, đồng thời gắn bó với nước sở tại, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Cùng với đó là tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Bà con kiều bào chụp hình lưu niệm cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Thủ tướng mong muốn bà con tiếp tục giữ vững, phát huy lòng tự hào, tự tin dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên, khẳng định mình; góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và nước sở tại; xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và đóng góp xây dựng đất nước cũng như nước sở tại.
Người đứng đầu Chính phủ cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung và trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh. Bà con dù còn những khó khăn nhưng luôn hướng về Tổ quốc.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu cách giải quyết phù hợp, bảo đảm đúng luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, những đề xuất về việc dạy và học tiếng Việt là rất chính đáng. Việc này có thể thông qua những câu chuyện giản dị của dân tộc nhưng có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện rõ bản sắc Việt Nam.
"Cần nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị một cách thực chất, nói đi đôi với làm, chứ không phải nói mà không làm”; theo tinh thần “nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thành quả thật”, Thủ tướng yêu cầu.
Trong các vấn đề nhắn nhủ đến các Đại sứ, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam kiên trì, kiên quyết bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình; thể hiện là đất nước yêu chuộng hòa bình...
Lưu ý tình hình hiện nay, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch Covid-19, thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; mở cửa từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị các Đại sứ, bằng các hoạt động của mình, tuyên truyền, quảng bá để khách du lịch quay trở lại Việt Nam...
Gặp gỡ các bác sỹ, chuyên gia y tế Pháp – Việt trong chiều cùng ngày, Thủ tướng cho rằng, quan hệ Việt Nam và Pháp là mối quan hệ duyên nợ, bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước, trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ Việt Nam – Pháp được xây dựng trên tinh thần tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau, nên ngày càng tốt lên cả trong cơ chế song phương và đa phương... Trong mối quan hệ đó, có quan hệ về y tế. Một số nền móng ban đầu của y học hiện đại tại Việt Nam đều có dấu ấn của người Pháp.
Thủ tướng cho biết, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Pháp đã hỗ trợ Việt Nam 2 triệu liều vắc xin. Các bác sỹ, chuyên gia y tế Pháp cũng có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ Việt Nam chống dịch, thể hiện nghĩa cử cao đẹp trong lúc Việt Nam còn khó khăn.
Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ, ngành Y tế và các bác sỹ, chuyên gia y tế của Pháp đã dành cho Việt Nam. Việt Nam đang thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; mở cửa từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn các bác sỹ, chuyên gia y tế Pháp – Việt tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.
Thu Hằng từ Paris, Pháp
Thủ tướng: Chỉ cần là người Việt Nam, ở bất cứ đâu thấy nhau cũng ấm cúng
Dẫn lời câu hát "quê hương mỗi người chỉ một”, Thủ tướng nhắn nhủ đến bà con kiều bào: "Chỉ cần là người Việt Nam, ở bất cứ đâu, khi nhìn thấy nhau cũng cảm thấy ấm cúng".